Tình trạng dòng chảy xoáy (tạo ra ra những hố xoáy) tàn phá khu vực ven sông Mekong, vốn bị thu hẹp do hạn hán và chịu hư hại nhiều hơn bởi những con đập thủy điện, làm nổi bật cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ về quản lý nguồn nước đối với con sông dài nhất Đông Nam Á này.
Chainarong Setthachua, chuyên gia về tài nguyên nước tại Đại học Maha Sarakham của Thái Lan, nhận định: “Đây là một trong những thảm họa sinh thái tồi tệ nhất trong lịch sử tồn tại của Mekong. Đây có thể là lời cảnh tỉnh to lớn đối với giới lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của khu vực."
Sau trận hạn hán hồi tháng Bảy và mức nước xuống thấp nhất trong hơn 100 năm qua, mực nước vẫn chưa được khôi phục trở lại mức bình thường.
Tờ Bangkok Post hồi tháng 10 ghi nhận: “Mực nước ở Sông Mekong đã xuống mức thấp đáng báo động” đồng thời lưu ý rằng tại nhiều khu vực đã lộ ra những đụn cát dưới lòng sông.
Thời gian gần đây, sông Mekong trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với những lợi ích thương mại, chủ yếu là hoạt động khai thác cát và thủy điện.
Trung Quốc đã triển khai một chương trình xây dựng đập thủy điện quy mô lớn với 11 con đập đang hoạt động trên Mekong Thượng.
Một nghiên cứu gần đây đã ghi nhận “những thay đổi chưa từng có tiền lệ do gia tăng hoạt động xây dựng đập thủy điện quy mô lớn."
Mặc dù hoạt động xây dựng đập của Trung Quốc thu hút sự chú ý của dư luận hơn cả song cũng cần thừa nhận rằng Thái Lan cũng xây dựng đập trên Mekong còn Chính phủ Lào hiện đã hoàn thành xây dựng đập Xayaburi.
Sự “sinh sôi” nhanh chóng số lượng các con đập đã lưu giữ lại lượng trầm tích vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của vùng châu thổ sông Mekong.
Tình trạng lưu lượng nước thấp và mất những lớp trầm tích màu mỡ vốn thường chảy xuống hạ nguồn, cùng với thời tiết ngày càng cực đoan và tình trạng nước biển dần xâm lấn đất liền, tất cả đều có nguy cơ nhấn chìm vùng châu thổ sông Mekong.
Nếu như những điều nói trên chưa đủ quan ngại thì phân tích dữ liệu vệ tinh mới nhất đưa ra dự đoán về tình trạng nước biển “ngoạm” mất châu thổ sông Mekong.
Bruce Shoemaker, tác giả cuốn “Dead in the Water” (tạm dịch Sự thất bại) về dự án đập thủy điện Nam Theun 2 của Lào, trong đó đưa ra những đánh giá khoa học đồng bộ cho rằng cái giá phải trả đối với dự án xây đập này còn nhiều hơn cả những lợi ích mà dự án đem lại.
Ngoài ra, dự án này cho thấy “sự thất bại hoàn toàn về vấn đề quản lý nước ở khu vực Mekong."
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng những dự án xây dựng đập quy mô lớn như vậy dựa vào nguồn đầu tư nước ngoài có thể nhấn chìm các nước đang phát triển trong nợ nần, đó là chưa kể đến tình trạng người dân định cư ven sông phải di dời chỗ ở và mất kế sinh nhai.
Trong khi đó, Ủy hội sông Mekong, được thành lập năm 1995 nhằm thúc đẩy “một con sông của hợp tác hòa bình, thân thiện và hữu nghị” giữa Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, lại không có quyền đưa ra những quy định.
Sự thống nhất và gắn kết mong manh của cơ quan này đã vỡ vụn ngay từ cuộc thử nghiệm đầu tiên với dự án đập Xayaburi của Lào.
Sông Mekong đang bị vô vàn mối đe dọa bủa vây, cả những thảm họa tự nhiên và do con người gây ra.
Trong khi đó, sự hỗ trợ của quốc tế chỉ tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu còn vấn đề thủy điện lại là vấn đề gây tranh cãi và khó giải quyết khiến cộng đồng quốc tế từ chối giải quyết.
Giới nghiên cứu sông Mekong cho rằng 4 nước ven sông Mekong nói trên cần sự ủng hộ quốc tế để không chỉ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giải quyết những hậu quả do việc xây dựng đập gây ra.
Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Quỹ Stimson Foundation, cho rằng các con đập đang được xây dựng hiện nay có thể trở nên lỗi thời trước khi được hoàn thành.
[ Trung Quốc và chiến lược “vũ khí hóa” nguồn nước ở sông Mekong ]
Cách thức để đảo ngược “cái chết từ từ” của sông Mekong không thể chỉ dựa vào sự hỗ trợ kỹ thuật mà còn cần đến một giải pháp tổng thể về sức ép ngoại giao và hỗ trợ vốn.
Bước đi đầu tiên là nỗ lực thúc đẩy Lào ngừng sử dụng thủy điện mà sử dụng năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác, vốn có khả năng cạnh tranh cao và lắp đặt nhanh chóng hơn.
Giới học giả, các tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học kêu gọi cộng đồng quốc tế và Ủy hội sông Mekong cần có những bước đi tiến tới thay đổi chính sách ở phạm vi rộng lớn, từ bỏ những lời hô hào về bảo vệ nguồn thủy điện bền vững vốn đã gây ra nhiều hệ quả về môi trường sinh thái, đồng thời ngừng xây dựng và ngừng sử dụng đập thủy điện.
Hồi tháng 10/2010 đã ghi nhận khuyến nghị đầu tiên về việc chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng các con đập thủy điện trên sông Mekong.
Sông Mekong đang đối mặt với không ít mối nguy hại.
Nhiều người dân khu vực lo ngại rằng sông Mekong có thể sẽ không bao giờ trở về nguyên trạng mặc dù học giả người Thái Lan Settachua cho rằng “vẫn chưa quá muộn để bảo vệ sông Mekong và ngăn chặn tất cả các dự án xây đập thủy điện đã lên kế hoạch và sắp được triển khai."
Điều này đòi hỏi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế chung tay xử lý những đập thủy điện không được kiểm soát và cung cấp những mô hình phát triển bền vững hơn cho khu vực sông Mekong, bảo vệ di sản của con sông này và tìm ra những khả năng làm “sống” lại sông Mekong trong những năm tới đây./.