Hạn hán kỷ lục tại Chile phản ánh rõ tình trạng biến đổi khí hậu

Lượng mưa thiếu hụt trong năm nay càng khiến tình trạng hạn hán trầm trọng. Đỉnh tuyết trắng của dãy Andes giờ đây gần như biến mất, mực nước hồ chứa xuống thấp và các nông trại khô cằn.
Hạn hán kéo dài tại Chile. (Nguồn: Reuters)

Tình trạng hạn hán kéo dài hàng thập kỷ tại Chile càng trở nên tồi tệ hơn do tháng 7 nắng nóng thiêu đốt vừa qua, trái ngược với thời tiết mưa tuyết điển hình của mùa Đông trong giai đoạn này hằng năm.

Lượng mưa thiếu hụt trong năm nay càng khiến tình trạng hạn hán trầm trọng. Đỉnh tuyết trắng của dãy Andes giờ đây gần như biến mất, mực nước hồ chứa xuống thấp và các nông trại khô cằn. Các quan chức chính phủ nhấn mạnh đây là những bằng chứng rõ ràng về tình trạng nóng lên toàn cầu.

Theo Cơ quan Khí tượng Chile, ngày 10/8, một trạm thời tiết ở trung tâm thủ đô Santiago ghi nhận lượng mưa từ đầu năm 2021 đến nay chỉ ở mức 78mm so với mức 180mm trong cả năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 252mm các năm trước đây.

Bộ trưởng Khoa học Chile Andres Couve nhấn mạnh nước này đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây hạn hán.

Không chỉ có các bằng chứng khoa học mà con người có thể dễ dàng nhận thấy biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất nhiều hơn.

[Hơn 10 triệu người phải tha hương do thiên tai trong 6 tháng qua]

“Ưu tiên quốc gia” hiện nay là ứng phó với tình trạng suy giảm trữ lượng nước do biến đổi khí hậu. Chính phủ Chile đang giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng cách đầu tư vào dự trữ nước, xây dựng trạm điều tiết nước và thành lập một nhóm các nhà khoa học chuyên trách quản lý nguồn nước cũng xây dựng đài quan sát biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Công chính Alfredo Moreno cho biết hai con sông Mapocho và Maipo cung cấp nước cho Santiago hiện có mực nước thấp chưa từng có trong lịch sử Chile. Điều này khiến các nhà quản lý đang tìm cách hạn chế sử dụng nước và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thay thế.

Một số nhà khoa học và chính trị gia ở Chile cảnh báo tình trạng thiếu nước ngày càng tăng và có khả năng không thể thay đổi được ở khu vực miền Trung có khí hậu Địa Trung Hải - nơi có nhiều nông trại và vườn nho, đồng thời là nơi tập trung khoảng 1/3 dân số của thủ đô Santiago - đầu tàu kinh tế của đất nước.

Các công ty tiện ích của Chile đã đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mới để tránh kịch bản "Day Zero" (Ngày Không nước) - một mối đe dọa dẫn đến siết chặt việc sử dụng nước ở thủ đô Cape Town của Nam Phi và thành phố Chennai của Ấn Độ trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nhà khí hậu học Raul Cordero tại Đại học Santiago, đồng thời là trưởng Nhóm điều tra Nam Cực, nhận định ngày đó "đã xảy đến từ gần một thập kỷ trước đối với gần 400.000 nghìn người sinh sống ở các vùng nông thôn của Chile và hiện nay họ đang nhận nước từ các xe bồn.

Theo ông, nguy cơ sẽ có thêm nhiều cộng đồng nông thôn ở miền Trung Chile phải đối mặt với tình trạng tương tự và thậm chí tình hình còn xấu hơn theo thời gian.

Do đó, ông Cordero cho rằng Chile phải xây dựng thêm các hồ chứa và các nhà máy khử muối để có thể chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước đó, ngày 9/8, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc công bố báo cáo cảnh báo nguy cơ mỗi thập kỷ sẽ trải qua nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt, thay vì hiện tượng thời tiết bất thường này 50 năm mới xuất hiện một lần như trước đây. Tình trạng hạn hán và mưa như trút nước cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục