Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng Sông Hồng lần thứ nhất, ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiến độ trước ngày 31/12.
Về kế hoạch của Hội đồng Điều phối Vùng trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và kế hoạch hành động của từng bộ, ngành địa phương đã ban hành.
[Thủ tướng: Hội đồng Điều phối Vùng tạo động lực để có kết quả mới]
Bên cạnh đó, Hội đồng Điều phối cũng sẽ khẩn trương thành lập Văn phòng và các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh sẽ. Về nhiệm vụ, Hội đồng sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực gắn với định hướng không gian phát triển để tích hợp trong Quy hoạch Vùng và quy hoạch cấp tỉnh của từng địa phương đang xây dựng.
Mặt khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các bộ, ngành cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của trung ương gắn với đảm bảo nguồn lực phù hợp. Cụ thể là nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy.
Để đạt các mục tiêu đặt ra, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các bộ, địa phương tăng cường trách nhiệm, vai trò chủ động và sáng tạo huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia… trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Hội đồng Điều phối Vùng được xác định không phải là một cấp hành chính. Đây là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được đồng thời có thể giải quyết những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng./.