Hạn chế xe máy cần bắt đầu từ công tác quản lý

Để hạn chế, Thành phố HCM cần chấn chỉnh lại công tác quản lý xe máy, các phương tiện xe máy từ các tỉnh lưu hành trên địa bàn.
Theo tiến sỹ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý Đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, để hạn chế bớt lượng xe máy hiện nay, trước tiên cần phải chấn chỉnh lại công tác quản lý xe gắn máy, đồng thời quản lý chặt chẽ các phương tiện xe máy từ các tỉnh lưu hành trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại hội thảo “Đặc điểm cấu trúc đô thị và phân bố dân cư Thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ gia tăng xe cá nhân” tổ chức ngày 12/10, tiến sỹ Dư Phước Tân cho biết nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng xe máy hiện nay tại Thành phố được xác định là do công tác quản lý xe máy hiện nay còn quá dễ dãi, xe máy sản xuất nhiều và dễ dàng mua ở nhiều nơi, xe máy ngoại tỉnh lưu hành tràn lan cũng như thủ tục lấy bằng lái xe máy rất dễ dàng.

Ngoài ra, nhóm nguyên nhân dẫn đến gia tăng xe máy ở Thành phố Hồ Chí Minh còn do đặc điểm cấu trúc đô thị ở Thành phố tạo ra như nhà liên kế nhiều, mật độ hẻm quá dày đặc trong khu vực nội thành, vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ; đặc điểm hoạt động kinh tế tạo ra việc gia tăng xe máy; giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Từ thực tế trên, tiến sỹ Dư Phước Tân cho rằng cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó quản lý xe cá nhân cần có chính sách từ Trung ương, đồng thời cần trú trọng nguyên nhân về đặc điểm cấu trúc đô thị có thể nghiên cứu, giải quyết ở quy mô địa phương. Cụ thể, Thành phố cần nghiên cứu từng bước tái cấu trúc đô thị theo hướng quyết liệt hạn chế xe máy cá nhân ngay từ bây giờ, tăng cường phát triển mạnh xe buýt nhanh, tàu điện ngầm…

Bên cạnh đó, Thành phố cần phát triển nhiều nhà cao tầng, nhà chung cư, giảm bớt đầu tư nhà liên kế, tạo cấu trúc không gian đô thị thông thoáng hơn, trước mắt cần từng bước tách riêng chức năng kinh doanh và chức năng ở đối với các hộ mặt tiền.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng cấu trúc hiện tại của Thành phố vẫn là cấu trúc của đô thị xe gắn máy và cấu trúc đô thị này ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện đi lại của người dân, là một trong những nguyên nhân quan trọng của việc phát triển xe gắn máy. Chính vì vậy, việc hạn chế xe máy cần phải có lộ trình cụ thể, không gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhân dân.

Theo tiến sỹ Phạm Xuân Mai, trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố nên đi theo các quan điểm hiện đại, xe máy phải được xem như một loại hình giao thông cá nhân và cần phải hạn chế sao cho tỷ lệ tham gia giao thông trong dòng giao thông hỗn hợp xuống thấp dưới 50%. Ngoài ra, Thành phố cũng cần phải nhanh chóng thiết lập cơ quan PTA (chính quyền giao thông) để có cơ sở xây dựng các chương trình, mục tiêu chiến lược về phát triển giao thông công cộng./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục