Hà Nội: Thúc đẩy dự án hạn chế xe cá nhân, thu phí giờ cao điểm

Hạn chế xe cá nhân, thu phí giờ cao điểm vào nội đô để giảm ùn tắc

Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo, trong đó có nội dung thu phí đường bộ các phương tiện giao thông ở một số khu vực có nguy cơ ùn tắc cao ...
Hà Nội dự tính triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như hạn chế xe cá nhân, thu phí xe giờ cao điểm để giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Tại Hà Nội, lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh theo cấp số nhân, làm cho hạ tầng giao thông quá tải, vượt quá năng lực thiết kế đã dẫn đến ùn tắc giao thông ngày một trầm trọng.

Để giảm ùn tắc giao thông, theo đại diện các cơ quan Nhà nước, Hà Nội cần sớm áp dụng kiểm soát hạn chế xe cá nhân đồng thời nỗ lực phát triển phương tiện công cộng.

Theo báo cáo của Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), hiện, Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu xe máy và gần 500.000 ôtô (trong đó có trên 327.000 ôtô con). Giai đoạn 2010-2017, tốc độ phát triển 10% với ôtô và 8% xe máy trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%/năm; chiều dài 1,3%.

[Hà Nội thiệt hại cả tỷ USD mỗi năm vì ‘căn bệnh’ ùn tắc giao thông]

Chính vì vậy, ùn tắc giao thông là “cơm bữa” hay đơn thuần là “căn bệnh nan y” khó chữa vào mỗi giờ cao điểm đối với người tham gia giao thông thủ đô.

Qua công tác điều tra khảo sát phỏng vấn hộ gia đình của thành phố vào giữa năm 2017 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ chính sách tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cá nhân của người dân thành phố Hà Nội là 84%; có 71,7% số người ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông; số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là 90,3% nhưng yêu cầu phải có những điều kiện như hoạt động vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân...

Tại Nghị quyết 04 về các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường của thành phố, Hà Nội tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30-35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50-55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.

Liên quan đến mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, do một số tuyến đường sắt trên cao phụ thuộc đến nguồn lực đầu tư, tiến độ có chậm, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đang cân đối lại biểu đồ vận tải hành khách công cộng, các tuyến xe buýt. Hiện 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đã “phủ sóng” xe buýt.

“Thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải sẽ mở tiếp các tuyến buýt kết nối ngang, buýt mini… để mục tiêu đến năm 2020, hành khách chỉ phải di chuyển tối thiểu 500m là có thể tiếp cận được phương tiện giao thông công cộng. Hà Nội đang cân đối để có phương án tốt nhất bù đắp cho các tuyến đường sắt trên cao chưa đưa vào hoạt động bằng cách sẽ tăng cường các tuyến buýt,” ông Tuấn nói.

Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải) cho biết, vận tải hành khách công cộng vẫn đang kém phát triển, với tỷ lệ đáp ứng khoảng 8-9%. Tuy nhiên, cơ hội phát triển phương tiện này rất khó khăn khi không thể “nhồi” thêm xe buýt vào các trục đường chính, chất lượng dịch vụ không đạt như kỳ vọng, khó thu hút được người dân tham gia.

“Hà Nội đang đi đúng hướng bằng cách lập đề án phát triển phương tiện công cộng, trong đó có giải pháp tăng số lượng minibus để hỗ trợ. Kết quả khảo sát tại 21 nút giao thông và 125 tuyến phố Hà Nội cho thấy, hiện chỉ 10% diện tích mặt đường phục vụ cho xe buýt, có tới 90% xe cá nhân. Do đó, cần có sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội, hạn chế phương tiện cá nhân, ưu tiên mặt bằng cho phương tiện công cộng hoạt động,” ông Chung bày tỏ quan điểm.

Muốn giải quyết triệt để các điểm ùn tắc giao thông đặc biệt nghiêm trọng, ông Chung đưa ra kinh nghiệm cụ thể như tại Trung Quốc cho thấy, hiện có 150 thành phố đang áp dụng kiểm soát hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, biện pháp này theo ông Chung phải đi đôi với việc nỗ lực phát triển phương tiện công cộng chứ không thể áp dụng một cách khiên cưỡng.

“Chỉ khu vực nào đủ điều kiện cho phương tiện công cộng hoạt động mới tiến tới giảm hạn chế phương tiện cá nhân,” ông Chung nhận định.

[“Hà Nội hạn chế xe cá nhân là mục tiêu tham vọng, đầy táo bạo”]

Hiện, thành phố Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo, trong đó có nội dung thu phí đường bộ các phương tiện giao thông ở một số khu vực có nguy cơ ùn tắc cao để hạn chế phương tiện đi vào. Thế nhưng, tiến độ triển khai phụ thuộc vào cơ chế, chính sách và chưa xác định thời điểm triển khai từ bao giờ.

Trước đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã lên phương án hạn chế xe cá nhân trong nội đô nhưng cũng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân khi hàng loạt các câu hỏi được đặt ra là cấm xe máy dân đi bằng gì? Bao giờ có tàu điện ngầm (metro) sẽ từ bỏ xe máy? Vận tải công cộng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân dễ tiếp cận?...

Đại đa số cơ quan chức năng và chuyên gia giao thông bày tỏ quan điểm, muốn giảm ùn tắc, phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Khi nào làm được điều đó, mới giảm ùn tắc bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục