Nghị định 63/2014/NĐ-CP, vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 15/8/2014, quy định, hướng dẫn chi tiết và cụ thể một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Nghị định này được kỳ vọng sẽ giúp cho công tác đấu thầu ngày một minh bạch, hiệu quả và các khái niệm chồng chéo trong công tác đấu thầu sẽ hoàn toàn được giải quyết.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết những nét nổi bật trong Nghị định 63 và Luật Đấu thầu đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 26/11/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 năm nay?
- Ông Lê Văn Tăng: Trước hết, tôi phải khẳng định rằng Luật Đấu thầu 2013 đã có những cải cách rất mạnh mẽ so với Luật Đấu thầu 2005 và Nghị định 63 là nghị định quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Nghị định 63 gồm 15 chương với 130 điều và có rất nhiều điểm mới.
Theo tôi, điểm mới mà nhiều nhà thầu Việt Nam quan tâm là chính sách ưu đãi trong đấu thầu. Để cụ thể hóa quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu của Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định 63 đã quy định chi tiết về cách tính ưu đãi cho nhà thầu trong nước khi tham dự đấu thầu quốc tế, ưu đãi cho nhà thầu khi tham dự đấu thầu trong nước, ưu đãi cho hàng hóa trong nước.
Với quy định mới này, hàng hóa trong nước và nhà thầu trong nước sẽ được hưởng lợi thế hơn so với hàng hóa nhập khẩu và nhà thầu nước ngoài; hạn chế được tối đa tình trạng nhà thầu Việt Nam thua trên "sân nhà."
Điểm mới nổi bật nữa của Nghị định 63 là hạn mức chỉ định thầu. Hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển (thấp hơn nhiều hạn mức chỉ định thầu tại Nghị định 85/2009/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, một điểm mới khác của Nghị định 63 là phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu so với Luật Đấu thầu 2005.
Để cụ thể hóa các phương pháp đánh giá này, Nghị định 63 đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn đánh giá tương ứng với từng loại phương pháp đánh giá, giúp chủ đầu tư, bên mời thầu có thêm các công cụ lựa chọn nhà thầu linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp với tính chất, quy mô của từng gói thầu.
Chế tài xử lý vi phạm cũng được nêu rõ trong Nghị định. Những điều cấm trong đấu thầu được nêu rất rõ. Nếu vi phạm thì bị cấm tham gia đấu thầu từ 6 tháng đến 1 năm; cao hơn từ 1-3 năm; hoặc cao hơn nữa là từ 3-5 năm. Tôi tin chắc rằng tất cả những quy định đó sẽ tác động rất lớn đối với công tác đấu thầu hiện nay vì các quy định khá rõ ràng, cụ thể.
- Theo ông, trong Nghị định 63 còn có những quy định hay thay đổi nào tạo ra tính hiệu quả hơn trong công tác đấu thầu hiện nay?
- Ông Lê Văn Tăng: Nghị định đã tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, từ đó tạo ra tính hiệu quả trong công tác đấu thầu. Ví dụ, trước đây nhà thầu muốn mua hồ sơ mời thầu rất vất vả, phải đến gặp chủ đầu tư, xong phải đăng ký là nhà thầu độc lập hay nhà thầu liên doanh; tiếp đến trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu, nhà thầu muốn thay đổi thì phải báo với chủ đầu tư, nếu thay đổi đến khi nộp hồ sơ là chủ đầu tư không nhận nữa. Mặc dù các chủ đầu tư luôn nói là mời các nhà thầu nhưng một số chủ đầu tư lại tìm cách gây khó khăn cho các nhà thầu, thậm chí không bán hồ sơ mời thầu.
Lần này, Nghị định quy định nhà thầu không mua hồ sơ mời thầu nhưng khi đến nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu, chủ đầu tư vẫn phải nhận. Trước đây, các chủ đầu tư có rất nhiều lý do để cản trở việc tham gia của nhà thầu. Đây là những điểm mới được nêu cụ thể trong Nghị định và được đánh giá là tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trong công tác đấu thầu.
Việc phân cấp trong đấu thầu về cơ bản vẫn giống như Luật Đấu thầu 2005, nhưng trước đây là phân cấp khép kín và “bí mật,” không ai được tham gia trong suốt thời gian từ lúc phát hành hồ sơ mời thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu. Nhưng bây giờ thì khác, chỉ “bí mật” đối với những người không liên quan, còn đối với cơ quan cấp trên, cơ quan quản lý về đấu thầu... có trách nhiệm, kiểm tra, cử người giám sát quá trình đấu thầu của chủ đầu tư để đảm bảo cho cuộc đấu thầu được minh bạch và hiệu quả hơn.
- Ông cho rằng Luật Đấu thầu và Nghị định 63 được ban hành liệu có khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, quy phạm trong cùng một lĩnh vực hay không?
- Ông Lê Văn Tăng: Lần này, trong luật đã khắc phục hoàn toàn việc chồng chéo giữa các văn bản quy phạm vì trước đây quy định về đấu thầu có ở nhiều luật khác nhau và lần này chỉ quy định ở Luật Đấu thầu. Nghị định 63 quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu. Các nhà thầu, các doanh nghiệp và các ban quản lý dự án sẽ áp dụng luật này để thực hiện, họ không phải đối chiếu với các luật khác.
Trước đây, Luật Xây dựng cũng quy định về đấu thầu, cũng hướng dẫn nên có chồng chéo. Lần này, sự chồng chéo trong công tác đấu thầu sẽ được giải quyết hoàn toàn, đó là một tiến bộ rất lớn của Luật Đấu thầu mới.
- Khi Luật Đấu thầu cũng như Nghị định 63 đi vào cuộc sống, hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước sẽ được tăng lên như thế nào, thưa ông?
- Ông Lê Văn Tăng: Tôi cho rằng chắc chắn sẽ hiệu quả hơn vì Nghị định 63 đã quy định rõ hạn mức chỉ định thầu thấp hơn rất nhiều so với trước. Nếu như trước đây, chỉ định thầu xây lắp là 5 tỷ đồng thì nay xuống còn 1 tỷ đồng; chỉ định tư vấn trước đây là 3 tỷ đồng, hiện nay xuống còn 0,5 tỷ đồng; chỉ định hàng hóa là 2 tỷ đồng, hiện nay xuống còn 1 tỷ đồng. Và tới đây, số lượng gói thầu, đấu thầu sẽ còn tăng lên, đương nhiên cạnh tranh trong đấu thầu sẽ có hiệu quả và bớt tiêu cực, tham nhũng hơn.
Tuy nhiên, con số phần trăm tiết kiệm là bao nhiêu thì chưa tính được. Nhưng tôi tin chắc rằng, con số tiết kiệm sẽ tăng lên vì tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu rộng rãi thường cao hơn chỉ định thầu.
Nguyên nhân được chỉ ra là do những năm trước số lượng chỉ định thầu là rất cao và thường chỉ định thầu thì mức tiết kiệm sẽ thấp hơn đấu thầu. Đặc biệt, trong những năm tới đấu thầu qua mạng sẽ phát triển rất mạnh, hình thức đấu thầu qua mạng tỷ lệ tiết kiệm thường cao hơn. Do nhà thầu không phải đi lại để mua hồ sơ mời thầu và để nộp hồ sơ dự thầu nên toàn bộ chi phí đó không phải đưa vào giá dự thầu, chắc chắn mức độ tiết kiệm sẽ cao hơn.
Đối với hiệu quả của dự án, tôi nghĩ khi chúng ta đấu thầu sẽ lựa chọn được những nhà thầu chất lượng hơn, giá gói thầu cạnh tranh hơn thì đương nhiên hiệu quả của dự án sẽ phải cao hơn.
- Xin chân thành cám ơn ông!