Các chuyên gia cho rằng các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.
Sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona đã khiến một số quốc gia cảnh báo người dân hoặc áp đặt các biện pháp hạn chế du lịch, trong khi nhiều hãng hàng không thông báo tạm dừng hoặc cắt giảm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Đến nay, trên thế giới đã có khoảng 25 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các trường hợp lây nhiễm. Tính đến hết ngày 1/2, Trung Quốc có tổng cộng 14.411 ca nhiễm, tăng 2.590 người so với trước đó một ngày, trong đó 304 người đã tử vong do dịch virus corona. Đến sáng 2/2, số ca tử vong tăng lên 305 trường hợp, trong đó 304 ca ở Trung Quốc và một ca ở Philippines.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/1 đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp vì dịch bệnh mà cả thế giới quan tâm ứng phó, nhưng nói rằng các hạn chế thương mại và du lịch toàn cầu là không cần thiết.
Theo Tiến sĩ Eric Toner, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, việc hạn chế hoạt động của máy bay, tàu thuyền, tàu hỏa và xe cơ giới chính là khởi đầu của việc đóng cửa nền kinh tế, và điều này có thể có ảnh hưởng đến toàn xã hội.
[Video] Dịch nCoV có thể 'thổi bay' 62 tỷ USD của kinh tế Trung Quốc
Bên cạnh đó, không chỉ các hãng hàng không cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. “Người khổng lồ” công nghệ Apple Inc. ngày 1/2 thông báo tạm thời đóng cửa toàn bộ 42 cửa hàng và văn phòng chính thức tại Trung Quốc đại lục. Google, Amazon và Microsoft trước đó cũng đã công bố kế hoạch tạm thời đóng cửa các văn phòng, trong khi Starbucks và McDonald đã đóng cửa một số chuỗi cửa hàng tại đây như một biện pháp phòng ngừa.
Apple cho hay dựa trên tâm lý thận trọng và lời khuyên mới nhất từ các chuyên gia y tế hàng đầu, hãng này sẽ đóng cửa tất cả văn phòng công ty, cửa hàng và trung tâm liên lạc tại Trung Quốc đại lục cho đến ngày 9/2. Apple cũng bày tỏ mong muốn mở lại các cửa hàng "càng sớm càng tốt".
Một hội nghị do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Quỹ Bill & Melinda Gates tổ chức vào tháng 10/2019 đã tập trung thảo luận về các tác động tiêu cực của những hạn chế thương mại và du lịch trong bối cảnh xảy ra đại dịch. Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins đã kết luận rằng nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn diễn ra trong các đợt bùng phát đại dịch trong quá khứ, ngay cả trong giới hạn cấp quốc gia hoặc khu vực, đôi khi đã dẫn đến các biện pháp kiểm soát biên giới không chính đáng.
WHO ngày 31/1 đã kêu gọi các nước mở cửa biên giới để duy trì giao thương và đi lại, dù các quốc gia có quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ công dân khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra đang hoành hành tại nhiều nơi.
Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh tổ chức này không khuyến cáo hạn chế đi lại hay giao thương với Trung Quốc. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra "không phải là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Trung Quốc" mà mối quan tâm lớn nhất là "khả năng virus lan sang các nước có hệ thống y tế yếu hơn"./.