Hamas và Fatah đạt thỏa thuận hòa giải: Bước tiến mở ra hy vọng

Sự kiện phong trào Hồi giáo Hamas và phong trào Fatah tại Palestine đạt thỏa thuận hòa giải chính trị được xem là một bước tiến lịch sử, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột kéo dài một thập kỷ qua.
Hamas và Fatah đạt thỏa thuận hòa giải: Bước tiến mở ra hy vọng ảnh 1Phong trào Hamas và Fatah đạt thỏa thuận lịch sử. (Nguồn: Sputnik)

Sự kiện phong trào Hồi giáo Hamas và phong trào Fatah tại Palestine đạt được thỏa thuận hòa giải chính trị sau các nỗ lực đối thoại tại Cairo dưới sự bảo trợ của Ai Cập được xem là một bước tiến lịch sử, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột kéo dài một thập kỷ qua giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine và hướng tới xây dựng một Palestine đoàn kết, từ đó nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Israel.

Có thể nói với thỏa thuận hòa giải này, phong trào Hamas, kiểm soát Dải Gaza, và lực lượng Fatah, đứng đầu Chính quyền Palestine đóng ở Bờ Tây, đã vượt qua những rào cản lớn vốn khiến hai bên chia rẽ chính trị sâu sắc suốt 10 năm qua, để đạt được thỏa hiệp trong những vấn đề then chốt, đặc biệt là vấn đề phức tạp nhất: giải tán Hội đồng hành chính do Hamas thành lập để quản lý các vấn đề của Gaza.

Việc Hamas nhất trí chuyển giao quyền kiểm soát hành chính Dải Gaza (bao gồm cả cửa khẩu Rafah) cho Chính quyền Palestine, là bước nhượng bộ đáng kể của phong trào này nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết với Fatah.

Theo thỏa thuận ký ngày 12/10, Chính quyền Palestine do Fatah lãnh đạo sẽ tiếp quản tất cả các vai trò trong các lĩnh vực an ninh và dân sự, đồng thời triển khai 3.000 cảnh sát trở lại Gaza. Chính quyền Palestine cũng sáp nhập lực lượng viên chức, lao động lên tới hơn 40.000 người của Hamas.

Thỏa thuận hòa giải giữa Fatah và Hamas càng có ý nghĩa bước ngoặt khi nhìn lại "hồ sơ xung đột nội bộ" giữa 2 tổ chức chính trị lớn nhất, có ảnh hưởng nhất ở Palestine này suốt 10 năm qua.

[Palestine: Phong trào Fatah và Hamas chính thức ký thỏa thuận hòa giải]

Sau cuộc chiến năm 2007, Palestine bị chia tách thành hai, trong đó Hamas kiểm soát Dải Gaza, còn Fatah kiểm soát Bờ Tây. Kể từ đó, nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phe phái đã được triển khai, trong đó Ai Cập đứng ra làm trung gian hòa giải từ tháng 3/2009.

Trước đây, Fatah và Hamas cũng từng ký một loạt thỏa thuận hòa giải, như có thỏa thuận Mekka 2007, Sana'a 2008, Cairo 2011, Doha 2012 và Al-Shatyi 2014, song đều không thể thực hiện do không bên nào muốn từ bỏ quyền quản lý ở những vùng lãnh thổ mình đang kiểm soát, kể cả khi hai bên nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc năm 2014.

Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào tháng 3/2017, khi Hamas thành lập Hội đồng hành chính gồm 7 lãnh đạo cấp cao của phong trào này nhằm quản lý các vấn đề của Dải Gaza, động thái mà Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chỉ trích là "gây cản trở tiến trình hòa giải."

Hamas và Fatah đạt thỏa thuận hòa giải: Bước tiến mở ra hy vọng ảnh 2

Bất ổn và xung đột chính trị ở Palestine ảnh hưởng trực tiếp tới người dân Palestine, trong bối cảnh vùng đất này đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng bởi nguồn viện trợ nước ngoài ngày một giảm sút (tới hơn 60% trong vòng 10 năm qua) do các nước tài trợ giảm dần hỗ trợ cho Chính quyền Palestine khi tiến trình hòa bình Trung Đông bị đình trệ.

Đặc biệt, xung đột đã đẩy cuộc sống của 1,8 triệu người dân ở Dải Gaza bị phong tỏa tới bên bờ một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi nghèo đói lan rộng, tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 50% và tình trạng thiếu điện sinh hoạt triền miên. Bên cạnh đó, quan hệ phe phái căng thẳng khiến cả Fatah lẫn Hamas gặp khó khăn trong việc quản lý Bờ Tây và Dải Gaza. Nhìn hơn rộng, chia rẽ nội bộ đã làm làm suy yếu vị thế của Palestine trên bàn thương lượng với Israel.

Yêu cầu chấm dứt tình trạng chia rẽ nội bộ ở Palestine càng cấp thiết khi tình hình khu vực và quốc tế đã có nhiều biến động trong thời gian gần đây. Tại Trung Đông, vấn đề Palestine không còn được quan tâm nhiều như trước đây khi mà các nỗ lực và sự chú ý được tập trung vào cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Yemen, Libya và cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thay đổi mạnh mẽ lập trường cũng như chính sách đối với Trung Đông, từ vai trò là nước trung gian đưa các bên trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Palestine-Israel, Washington chuyển sang có phần "thiên vị" Israel. Một số quốc gia Arab, như Saudi Arabia, cũng đã có những điều chỉnh chính sách và  đã có các cuộc tiếp xúc với Israel ở những cấp độ khác nhau để ứng phó với ảnh hưởng ngày càng mở rộng trong khu vực của Iran.

Trong bối cảnh như vậy, việc củng cố sự đoàn kết dưới ngọn cờ của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là yếu tố sống còn đối với các đảng phái ở Palestine nhằm đáp ứng ước vọng hòa bình của người dân. Việc duy trì hòa hợp giữa Hamas và Fatah có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với Palestine nói riêng và tiến trình hòa bình Trung Đông nói chung.

Tuy nhiên, bầu không khí tích cực sau khi Hamas và Fatah đạt thỏa thuận hòa giải mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường dài được dự báo còn khá gian nan để thực sự chấm dứt những mâu thuẫn nội bộ và thống nhất các phe phái chính trị ở Palestine vì một mục tiêu chung là thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

[Tổng thống Palestine hoan nghênh thỏa thuận giữa Fatah và Hamas]

Những bất đồng giữa Hamas và Fatah liên quan tới nhiều khía cạnh, nhất là trong cách thức giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel khiến cho dư luận chưa hết hoài nghi thỏa thuận mới có thể chung số phận với những thỏa thuận từng đạt được trước đây.

Hamas nắm giữ một lực lượng vũ trang gồm 15.000-20.000 chiến binh, được trang bị tên lửa, súng máy và súng cối, và chưa bao giờ từ bỏ chủ trương đấu tranh bạo lực chống Israel. Nay, chấp nhận hòa giải với Fatah, có nghĩa Hamas phải đồng ý hành động theo Cương lĩnh chính trị của PLO, chấp nhận đấu tranh với Israel bằng các con đường hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hamas cũng sẽ phải công nhận Nhà nước Israel và theo đuổi mục tiêu thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trong đường biên giới năm 1967.

Do đó, để tiến tới hòa giải thực sự, Hamas và Fatah phải có thiện chí và quyết tâm cao, đặt lợi ích của dân tộc và nhân dân Palestine lên trên hết.

Bên cạnh đó, trở ngại từ phía Israel cũng được coi là sẽ tác động tiêu cực tới nỗ lực hòa giải giữa Fatah và Hamas. Cũng như những lần trước, các bước đi hoà giải của Fatah và Hamas lần này cũng không được chính quyền Tel Aviv hoan nghênh.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thẳng thừng tuyên bố thỏa thuận hòa giải giữa phong trào Hamas và Fatah của Palestine sẽ khiến tiến trình hòa bình với Israel "trở nên khó khăn hơn rất nhiều."

Một trong những lý do là Israel luôn coi Hamas là một nhóm khủng bố và khước từ mọi kế hoạch đàm phán có sự tham gia của Hamas. Còn nhớ, ông Netanyahu đã hủy tiến trình đàm phán hòa bình với Palestine hồi tháng 4/2014 sau khi hai phái đối địch Hamas và Fatah đạt thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, "trong có ấm ngoài mới êm."

Giải quyết triệt để mâu thuẫn nội bộ, đoàn kết trên mọi mặt trận mới tạo nên sức mạnh thực sự giúp các phe phái Palestine thúc đẩy đàm phán hướng tới mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine độc lập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục