Hamas và Ai Cập hoan nghênh HĐBA thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza

Hamas khẳng định với các nhà hòa giải rằng nhóm này sẽ giữ nguyên đề xuất ban đầu nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, bao gồm việc Israel rút quân khỏi Dải Gaza.

Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Rafah, Dải Gaza, ngày 22/3. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Rafah, Dải Gaza, ngày 22/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 25/3, Phong trào Hồi giáo Hamas đã bày tỏ hoan nghênh nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn tại Gaza, đồng thời cho biết sẵn sàng đàm phán về việc trao trả con tin để đổi lấy tù nhân Palestine.

Tuyên bố của Hamas nêu rõ: "Hamas hoan nghênh lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza... Chúng tôi cũng khẳng định sẵn sàng tham gia quá trình trao đổi tù nhân ngay lập tức."

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hamas khẳng định với các nhà hòa giải rằng nhóm này sẽ giữ nguyên đề xuất ban đầu nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, bao gồm việc Israel rút quân khỏi Dải Gaza, hồi hương những người Palestine phải di tản và trao đổi tù nhân “một cách thực sự.”

Hamas đã chuyển đề xuất ngừng bắn ở Gaza cho các nhà hòa giải và Mỹ vào giữa tháng này, bao gồm điều kiện thả con tin Israel để đổi lấy tự do cho các tù nhân Palestine, trong đó có 100 người Palestine đang thụ án chung thân.

Theo đề xuất này, ban đầu Hamas sẽ thả các con tin người Israel bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già và người bị bệnh để đổi lấy tự do cho 700-1.000 người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Hamas cũng cam kết thả các nữ tân binh của Israel.

Hamas nói rằng phong trào này muốn việc trao đổi tù nhân Palestine và con tin Israel là một phần của thỏa thuận ngừng bắn toàn diện nhằm chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phản đối đề xuất của Hamas, lập luận rằng đề xuất này vẫn dựa trên “những yêu cầu phi thực tế,” đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công trên bộ cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn Hamas.

ttxvm_ngung_ban_gaza_2603-2.jpg
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)

Hiện Ai Cập và Qatar đang cố gắng thu hẹp bất đồng giữa Israel và Hamas liên quan tới thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng khiến người dân Gaza đối mặt với nạn đói.

Cũng trong ngày 25/3, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố hoan nghênh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột nổ ra thông qua được nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza.

Tuyên bố nêu rõ Cộng hòa Arab Ai Cập hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza trong tháng lễ Ramadan.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ và vượt qua nhiều bất đồng, Hội đồng Bảo an đã tìm được tiếng nói chung trong một nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn lâu dài.

Tuyên bố nói thêm Ai Cập kêu gọi thực hiện ngay lệnh ngừng bắn theo hướng mở đường cho việc giải quyết tất cả các yếu tố của cuộc khủng hoảng.

Cairo đánh giá việc thông qua quyết định này là “một bước tiến quan trọng” và bước đầu tiên cần thiết để chấm dứt đổ máu, ngăn chặn thêm thương vong cho dân thường Palestine, cũng như tạo cơ hội cho viện trợ nhân đạo vào dải đất này sau hơn 5 tháng xung đột gây tổn hại nghiêm trọng cho thường dân ở Dải Gaza.

Ai Cập sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với các bên quốc tế và khu vực để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza càng nhanh càng tốt.

Trước đó cùng ngày 25/3, lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza trong tháng lễ Ramadan linh thiêng của tín đồ Hồi giáo, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng trong khi tất cả 14 ủy viên còn lại ủng hộ nghị quyết.

Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tạo cơ sở cho một lệnh ngừng bắn “bền vững và lâu dài”, đồng thời yêu cầu Hamas và các nhóm Palestine khác trả tự do cho những người Israel bị bắt giữ vào ngày 7/10.

Nghị quyết này do Algeria - ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an thuộc khối Arab và nhiều quốc gia khác gồm Slovenia và Thụy Sĩ - soạn thảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục