Hamas đánh giá quan điểm của Israel về lệnh ngừng bắn là một bước lùi

Một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hamas đánh giá phản hồi của Israel đối với đề xuất mới nhất của Hamas liên quan thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza là "tiêu cực.”

Cảnh đổ nát sau một cuộc không kích tại trại tị nạn Bureij ở Dải Gaza, ngày 14/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh đổ nát sau một cuộc không kích tại trại tị nạn Bureij ở Dải Gaza, ngày 14/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 20/3, một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hamas, ông Osama Hamdan đã đánh giá phản hồi của Israel đối với đề xuất mới nhất của Hamas liên quan thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza là "tiêu cực.”

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục ở Qatar.

Tại họp báo ở Beirut (Liban), ông Hamdan xác nhận vào ngày 19/3, các bên trung gian tại Qatar đã truyền đạt quan điểm của Israel đối với đề xuất của Hamas, nhưng quan điểm này không đáp ứng nguyện vọng của người dân Palestine.

Ông đánh giá phản hồi của Israel “là một bước lùi” so với quan điểm đã được công bố trước đó và có khả năng cản trở, thậm chí đẩy đàm phán vào bế tắc. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết quan điểm của Israel.

Ông Hamdan đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du các nước Trung Đông, gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Israel để thảo luận về những nỗ lực đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Đây là chuyến công du thứ 6 của ông Blinken tới khu vực này kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát vào ngày 7/10/2023.

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố công tác chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Rafah đang được tiến hành, nhưng hoạt động này sẽ mất một thời gian.

Ông Netanyahu cho biết sẽ sớm phê duyệt kế hoạch sơ tán dân thường khỏi Rafah, nơi có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang nương náu.

Tuần trước, Hamas đã đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần và thả khoảng 42 con tin để đổi lấy 20-50 tù nhân Palestine cho mỗi con tin.

Ông Netanyahu bác yêu cầu của Hamas về việc thả con tin để đổi lấy tù nhân Palestine, đồng thời phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự tại Rafah. Kế hoạch này của Israel đã vấp phải chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ.

Ông Netanyahu bác yêu cầu của Hamas về việc thả con tin để đổi lấy tù nhân Palestine, đồng thời phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự tại Rafah. Kế hoạch này của Israel đã vấp phải chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Algeria cho biết ngày 20/3, Ngoại trưởng nước này, ông Ahmed Attaf và người đồng cấp Pháp Stephane Sejourne đã có cuộc điện đàm thảo luận về những diễn biến ở Dải Gaza.

Thông báo nêu rõ hai bộ trưởng đã thảo luận về tình trạng thảm khốc mà người dân Palestine ở Dải Gaza đang phải đối mặt, trong bối cảnh xung đột hiện nay.

Hai bên nhấn mạnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần nhanh chóng can thiệp và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài và vô điều kiện tại vùng lãnh thổ này.

Hai bộ trưởng nhất trí khôi phục tiến trình hòa bình nhằm đạt được một giải pháp công bằng, lâu dài và toàn diện cho vấn đề Palestine, dựa trên các nguyên tắc của giải pháp hai nhà nước.

ttxvn_gaza_2.jpg
Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 14/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kể từ khi đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng Một, Algeria đã nỗ lực thúc đẩy việc thông qua dự thảo nghị quyết ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Liên quan hoạt động nhân đạo, Trung tâm Cứu trợ và Viện trợ Nhân đạo của Quốc vương Saudi Arabia Salman ngày 20/3 đã ký một bản ghi nhớ hỗ trợ tài chính trị giá 40 triệu USD với Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA).

Hãng Thông tấn Saudi Arabia (SPA) cho hay sự hỗ trợ này nhằm đáp lại lời kêu gọi khẩn cấp của UNRWA tại Dải Gaza.

Theo bản ghi nhớ, khoản hỗ trợ này nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho 250.638 người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương nhất ở Gaza, trong khi 200.190 người sẽ nhận viện trợ dưới dạng các mặt hàng phi thực phẩm, chẳng hạn như nơi trú ẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục