Ngày 20/12, Hội đồng Chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm từ mức ± 0,25% hiện nay lên ± 0,5%.
Đây là một quyết định đầy bất ngờ bởi vì nó không khác gì việc BoJ tăng lãi suất dài hạn, dù trước đó Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã nhiều lần khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế nước này.
Ông Norihiro Fujito, chiến lược gia về đầu tư tại Công ty Chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, bình luận rõ ràng đây là một quyết định “tăng lãi suất.” Không ai trên thị trường lại dự báo về điều này.
[Nhật Bản chi số tiền kỷ lục để chặn đà giảm giá của đồng yen]
Trước cuộc họp, Thống đốc Kuroda vẫn tỏ ra thận trọng về việc tăng biên độ dao động lãi suất dài hạn. Lý do là ông lo ngại nền kinh tế nước này vốn vẫn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch sẽ không thể chịu đựng việc tăng lãi suất, trong lúc nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Người đứng đầu BoJ đã liên tục bác bỏ các đồn đoán trên thị trường về khả năng BoJ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ ngay cả khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đã thắt chặt tiền tệ.
Mặc dù vậy, kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 12, Hội đồng Chính sách BoJ vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở khoảng 0%.
Bên cạnh đó, BoJ về nguyên tắc sẽ tiếp tục mua vào không giới hạn trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở mức lãi suất mới trong tất cả các ngày làm việc.
Trong thông báo phát đi cùng ngày, BoJ nhấn mạnh quyết định trên được đưa ra nhằm tăng cường “sự bền vững của việc nới lỏng tiền tệ” trong khuôn khổ hiện nay.
Bên cạnh đó, những biến động gia tăng trên các thị trường tài chính toàn cầu đang tác động tới Nhật Bản và hoạt động của các thị trường trái phiếu đang xấu đi.”
Theo các chuyên gia, thắt chặt tiền tệ là một bước đi tất yếu mà BoJ sẽ phải thực hiện khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gần đây đã liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm tới nay đã thực hiện tới 7 đợt tăng lãi suất để đưa lãi suất cơ bản lên khoảng 4,25-4,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2007 và ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Thậm chí, nhiều người còn dự đoán Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức mức 5,1% trong năm tới và không giảm cho đến năm 2024.
Trong phiên họp mới nhất, mặc dù các quan chức Fed đã thống nhất cắt giảm và đưa lãi suất xuống 4,1% vào năm 2025 rồi tiếp tục xuống còn 3,1% trước khi ổn định ở mức trung lập dài hạn là 2,5%, họ cũng không chắc chắn về những gì chờ đợi nền kinh tế Mỹ ở phía trước.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1980 tới nay.
Bình luận về quyết định đầy bất ngờ của BoJ, chiến lược gia Fujito nói: “Có thể nói rằng Thống đốc Kuroda đang mở đường cho việc BoJ từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng trong thời gian từ nay cho tới khi ông ấy kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4/2023.”
Cùng chung quan điểm đó, chuyên gia Hideo Kumano của Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi nói: “Thời điểm đưa ra quyết định này là đáng ngạc nhiên. BoJ đang bắt đầu đặt nền móng cho (sự điều chỉnh chính sách) trong thời hậu Thống đốc Kuroda.”
Theo chuyên gia Kumano, BoJ có thể lựa chọn nâng biên độ dao động lãi suất JGB ở mức thấp hơn. Nhưng rõ ràng là ngân hàng trung ương này hy vọng quyết định mới sẽ giúp ổn định thị trường trái phiếu vốn đang hoạt động một cách không bình thường, ngay cả khi quyết định đó có thể bị coi là thắt chặt tiền tệ.
Ông Kumano nói: “Trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đang bình ổn, BoJ có thể tạo nên tác động lớn hơn và khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ thu hẹp lại, từ đó giúp đồng yen tăng giá trở lại. Nói cách khác, động thái này có thể giúp giảm bớt sự chỉ trích đối với sự suy yếu gần đây của đồng yen.”
Mặt khác, lạm phát ở Nhật Bản trong thời gian gần đây dù tăng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế phát triển khác nhưng đã chạm mức cao nhất trong khoảng 40 năm qua.
Trong tháng 10/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản ở nước này tăng tới 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng thứ 14 liên tiếp chỉ số này tăng, nhưng là tháng thứ 7 liên tiếp ở trên mức mục tiêu 2% của BoJ. Lần gần đây nhất lạm phát ở Nhật Bản chạm ngưỡng 3,6% là tháng 3/1982, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu lần hai.
Diễn biến trên gia tăng sức ép BoJ phải điều chỉnh lãi suất, dù khi đó Thống đốc Kuroda vẫn khẳng định chính sách tiền tệ siêu lỏng là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Chuyên gia Yoshiki Shinke của Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi, cho rằng tháng 10 được coi là “tháng tăng giá.” Ngay cả khi Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng vào năm 2014, CPI cơ bản khi đó cũng chỉ tăng 3,4%. Vì vậy, tác động của lạm phát hiện nay lên các hộ gia đình cao hơn rất nhiều.
Tại thời điểm hiện nay, chi tiêu của các hộ gia đình đang dần phục hồi sau đại dịch, nhưng thật khó kỳ vọng người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu nếu lạm phát tăng mà lương không tăng.
Với việc lạm phát tăng cao, nhiều người lo ngại người tiêu dùng Nhật Bản có thể sẽ cắt giảm chi tiêu rồi từ đó tác động tiêu cực tới chi tiêu dùng, vốn chiếm gần 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đà phục hồi của nền kinh tế khi đó cũng chịu ảnh hưởng.
Ông Toru Suehiro, chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán Daiwa, cảnh báo người dân có thể sẽ “tìm kiếm các loại hàng hóa rẻ hơn và cắt giảm chi tiêu.”
Trong quý 3/2022, GDP thực tế của Nhật Bản đã bất ngờ giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,3% so với quý trước đó, chủ yếu do nhập khẩu tăng còn tiêu dùng cá nhân tăng thấp hơn dự báo. Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm trong bốn quý gần đây. Đáng chú ý, chi tiêu dùng cá nhân chỉ tăng 0,3%, thấp hơn mức tăng 1,5% trong quý 2.
Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế và giảm bớt tác động của lạm phát tới các hộ gia đình và doanh nghiệp, Chính phủ Nhật Bản hôm 28/10 đã thông qua gói kích thích kinh tế mới có tổng trị giá lên tới 71.600 tỷ yen (hơn 490 tỷ USD).
Trong gói kích thích kinh tế này, tổng chi tiêu công, bao gồm đầu tư công và cho vay cũng như các khoản chi của các chính quyền địa phương, lên tới 39.000 tỷ yen. Phần còn lại là các khoản chi của khu vực tư nhân.
Về phản ứng của thị trường, ngay sau khi BoJ bất ngờ điều chỉnh biên động dao động lãi suất dài hạn, trong phiên giao dịch chiều 20/12, đồng yen đã tăng giá mạnh so với đồng USD.
Tỷ giá giữa hai đồng tiền này được niêm yết ở thị trường Tokyo đã giảm xuống còn hơn 133 yen đổi 1 USD, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư kỳ vọng BoJ có thể sẽ thắt chặt tiền tệ sau khi Thống đốc Kuroda về hưu.
Ở chiều ngược lại, khi đóng cửa phiên 20/12, chỉ số Nikkei-225 tại Tokyo giảm 2,46% xuống còn 26.568,03 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 13/10, rong khi chỉ số Topix cũng giảm 1,54% xuống còn 1.905,59 điểm.
Trên thị trường chính, có tới 1.612 mã giảm giá, chỉ có 205 mã tăng giá, còn 21 mã không thay đổi.
Đáng chú ý, cổ phiếu của các hãng chế tạo ôtô và các công ty công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự biến động trên thị trường ngoại hối.
Cổ phiếu của Mitsubishi Motors giảm 8,9% xuống còn 530 yen còn cổ phiếu Olympus giảm 5,1% xuống còn 2.443,5 yen. Giá trị giao dịch trên Thị trường Chính cũng tăng gần gấp đôi so với phiên trước từ mức 971,32 triệu yen lên gần 1,844 tỷ yen.
Ông Takuya Kanda, chuyên gia Viện Nghiên cứu Gaitame.com, cho biết thị trường chứng khoán lao dốc do giờ đây các nhà đầu tư phải lo lắng về tác động tiêu cực tới nền kinh tế sau quyết định tăng lãi suất trên thực tế của BoJ./.