Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Georgia (Mỹ) đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience số ra ngày 11/5, lượng khí methane rò rỉ sau vụ tràn dầu nghiêm trọng trên Vịnh Mexico hồi tháng 4/2010 vẫn còn tồn tại trong nước biển suốt nhiều tháng, gây tác động nặng nề tới môi trường.
Khoảng nửa triệu tấn khí, 80% trong đó là khí methane, đã rò rỉ ra biển sau vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon của Tập đoàn dầu khí khổng lồ BP (Anh) tại Vịnh Mexico ngày 20/4/2010.
Sau đó, một loài vi khuẩn biển, tương tự như rệp biển, đã sinh sôi nhanh chóng trong môi trường nước chứa đầy loại khí này.
Giới khoa học cho rằng chính loài vi khuẩn biển này đã góp phần "thu dọn" lượng khí methne trên trong nước biển. Thậm chí, đến tháng Tám cùng năm, các nhà khoa học cho rằng lượng khí rò rỉ đã được dọn sách nhờ các "trợ thủ tí hon" tự nhiên này.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát sau đó cho thấy, sau một thời gian sinh sôi, số lượng loài vi khuẩn trên đã giảm đột ngột tại Vịnh Mexico. Cùng với đó, hàm lượng khí methane tập trung trong nước biển vùng Vịnh Mexico vẫn rất cao, ở mức hơn 5.000 lần so với bình thường.
Sau vụ tràn dầu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hàm lượng khí methane lớn tại khu vực phía Bắc và Đông Bắc của giếng dầu nơi xảy ra sự cố, và lượng khí này tồn tại trong nước biển nhiều tháng sau đó. Hiện vẫn chưa đánh giá hết được những thiệt hại cụ thể đối với môi trường do "thảm họa tràn dầu" gây ra.
Được xem là "vụ tràn dầu thế kỷ," sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon của BP tại Vịnh Mexico năm 2010 đã khiến 11 người thiệt mạng, làm 4,9 triệu thùng dầu tràn ra biển, gây ô nhiễm các bãi biển thuộc năm bang duyên hải bờ Đông nước Mỹ, trong đó bang Lousiana và Mississippi phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Diện tích dầu loang quá lớn đã đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của các loài sinh vật biển và toàn bộ hệ sinh thái ngập mặn của hai bang của Mỹ dọc Vịnh Mexico.
BP đã phải chi hàng chục tỷ USD để làm sạch và khôi phục vùng biển bị ô nhiễm, đồng thời giải quyết hơn 300.000 đơn khiếu kiện với số tiền đền bù đến 11 tỷ USD nhằm phục hồi kinh tế tại Vịnh Mexico./.