Haiti ban bố tình trạng khẩn cấp đối phó với làn sóng bạo lực nghiêm trọng

Chính phủ Haiti đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm nâng cao hiệu quả của lực lượng cảnh sát quốc gia trong bối cảnh bạo lực ngày càng trở nên nghiêm trọng ở nước này.

Cảnh sát siết chặt an ninh tại Port-au-Prince (Haiti) hồi tháng Ba năm nay. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát siết chặt an ninh tại Port-au-Prince (Haiti) hồi tháng Ba năm nay. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Haiti đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc kéo dài một tháng do tình hình tội phạm và bạo lực ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hãng Ted'Actu đưa tin ngày 4/9, các thành viên của Hội đồng Chuyển tiếp Tổng thống đã ký một sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên phần còn lại của đất nước.

Động thái này được cho là nhằm nâng cao hiệu quả của lực lượng cảnh sát quốc gia và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan an ninh.

Tình trạng khẩn cấp ban đầu được ban bố vào ngày 3/3 trên toàn khu vực phía Tây, nơi có Thủ đô Port-au-Prince, sau khi tình hình an ninh tại đây không đảm bảo với nhiều vụ bạo loạn xảy ra.

Hàng nghìn tù nhân đã trốn thoát trong hai vụ vượt ngục tập thể trong khi các quản giáo và người làm công trong nhà tù đình công để yêu cầu đãi ngộ tốt hơn. Căng thẳng không có dấu hiệu cải thiện khiến chính phủ phải nhiều lần gia hạn tình trạng khẩn cấp.

Trước tình hình an ninh nghiêm trọng ở Haiti, cùng ngày, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Brian A. Nichols cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc thúc đẩy việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Haiti.

Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm huy động thêm nguồn lực tài chính và nhân lực để hỗ trợ cho phái bộ hiện nay do Kenya dẫn đầu, vốn đang nỗ lực chấm dứt tình trạng bạo lực băng đảng tại Haiti.

Tuy nhiên, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc còn tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng Bảo an.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng một bộ phận người dân Haiti có thể phản đối sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.

Hiện có khoảng 400 cảnh sát Kenya đang ở Haiti, nhưng nhiệm vụ này cũng đòi hỏi sự tham gia của cảnh sát và binh sỹ từ Bahamas, Bangladesh, Barbados, Benin, Chad và Jamaica để có tổng cộng 2.500 nhân sự. Họ sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, với chi phí khoảng 600 triệu USD/năm.

Đến nay, Liên hợp quốc đã nhận được 68 triệu USD trong tổng số 85 triệu USD được cam kết cho nhiệm vụ này.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, hơn 2.500 người đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng ở Haiti trong ba tháng đầu năm nay do các vụ bạo lực liên quan các nhóm vũ trang. Bạo lực cũng là nguyên nhân chính khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa ở Haiti.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có hơn 360.000 người vô gia cư ở Haiti. Chỉ riêng trong tháng Ba, hơn 53.000 người đã rời Thủ đô Port-au-Prince do các cuộc tấn công gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục