"Hai vấn đề cần tư duy lại trong tiêu thụ nông thủy sản ở ĐBSCL"

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, sự kết nối trong 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và vai trò của thương lái là hai vấn đề cần tư duy lại trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản của vùng.
Hội Chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Long chung tay tiêu thụ khoai lang tím Nhật của nông dân huyện Bình Tân. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Hội Chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Long chung tay tiêu thụ khoai lang tím Nhật của nông dân huyện Bình Tân. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Tại tọa đàm "Kết nối cung-cầu nông-thủy sản giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh" do báo Người Lao động tổ chức sáng 14/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ ra, đại dịch COVID-19 rút ra được hai vấn đề cần tư duy lại trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại dịch COVID-19 cho thấy sự thiếu kết nối như là một thực thể kinh tế của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Đã là một thực thể kinh tế thì “mạch máu” chảy khắp ở 13 tỉnh, thành, không có biên giới hành chính, trong khi đó chúng ta lại quản lý theo biên giới hành chính.

“Đây là dịp để thử thách tư duy liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu xem cả vùng là một thực thể thì chúng ta sẽ có ứng xử khác. Nếu xem đó là 13 chủ thể riêng biệt thì sẽ có ứng xử khác; trong đó cũng có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa đảm đương được vai trò trong điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long để nối 'mạch máu' trong bối cảnh đại dịch vừa qua. Đây là bài học để Bộ cùng chính quyền các địa phương xem lại tư duy vùng,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Vấn đề thứ hai được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa là vai trò của thương lái. Theo Bộ trưởng, từ trước đến nay, chúng ta chưa bao giờ đưa thương lái vào trong các bản kế hoạch phát triển. Chúng ta chỉ nói tới doanh nghiệp, nông dân mà quên thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế là thương lái.

Do đó, ngay từ đầu đã xem nhẹ việc tiêm phòng vaccine cho đối tượng này. Khi họ là một thực thể trong “mạch máu” thì không có cái nào chính, không có cái nào phụ. Tất cả đều đòi hỏi sự vận hành đều đặn.

Nói về vai trò của thương lái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết, khi thương lái rút khỏi thị trường đã tác động rất lớn đến lưu thông hàng hóa.

Bà Đinh Thị Phương Khanh đồng ý quan điểm chống dịch là trên hết nhưng phải song song với duy trì lưu thông, hàng hóa. Khi giao quyền chống dịch xuống phía dưới thì họ sẽ đặt nhiệm vụ chống dịch là chính chứ không phải lưu thông hàng hóa.

Đôi khi văn bản của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống địa phương, hàng hóa cũng không được lưu thông mà phải là văn bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh thì hàng hóa mới được thông qua.

Hiện mô hình “3 tại chỗ” đối với các cơ sở giết mổ gặp nhiều vấn đề. Hầu hết các cơ sở giết mổ trong địa bàn tỉnh Long An không đáp ứng được yêu cầu.

Chỉ có 3 cơ sở của Vissan, San Hà và Ba Huân có thể đáp ứng nhưng hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó cần xem xét, đánh giá lại phương án “3 tại chỗ” cho cơ sở giết mổ vì nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn con người cũng như vấn đề môi trường, bà Đinh Thị Phương Khanh kiến nghị.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết, khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tỉnh đã triển khai phương án “1 cung đường 2 điểm đến,” “3 tại chỗ” và chỉ khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động, từ 40-50% lao động trong doanh nghiệp làm việc.

Thời gian đầu thực hiện, chính quyền địa phương còn lúng túng, nhiều thương lái ngưng hoạt động, việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.

"Hai vấn đề cần tư duy lại trong tiêu thụ nông thủy sản ở ĐBSCL" ảnh 1Thu hoạch dừa tại Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Trong việc hỗ trợ vận chuyển, thu hoạch, tiêu thụ nông sản Bến Tre đã tổ chức những đội thu gom, thu mua trong dân, hỗ trợ xét nghiệm nhanh bảo đảm âm tính cho lực lượng này.

Thực hiện việc thống kê sản lượng, chất lượng hàng hóa, giá bán nông sản và kết nối tiêu thụ với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

[Không ban hành thêm thủ tục gây cản trở lưu thông hàng hóa, nông sản]

Để hỗ trợ kịp thời cho nông dân, doanh nghiệp, hàng tuần, ban lãnh đạo tỉnh họp giao ban trực tuyến với các huyện các xã, các nhóm zalo để kịp thời nắm bắt thông tin người bán, người mua, triển khai bán hàng qua thương mại điện tử.

Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… cũng hỗ trợ tích cực nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, lượng nông sản của Bến Tre còn chờ thu hoạch khá lớn.

Trong khi nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đang dư thừa lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là nông thuỷ sản thì một số doanh nghiệp phân phối lại đang gặp tình trạng thiếu hụt hàng.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết, hệ thống siêu thị MM Mega Market đang thiếu một số mặt hàng nông sản, thuỷ sản tươi lẫn chế biến đông lạnh, thực phẩm khô.

Doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các nhà máy chế biến thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng vì doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ,” “4 tại chỗ”… nên năng suất giảm mạnh.

Các nhà máy sản xuất hàng đông lạnh đang hoạt động dưới năng suất, chủ yếu trả nợ các đơn hàng xuất khẩu đang tồn đọng.

Dù bộ phận mua hàng của siêu thị thường xuyên làm việc với các nhà cung cấp khác, hối thúc giao hàng nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, lượng hàng cung cấp cho hệ thống không được đầy đủ.

Đến nay, những khó khăn trong vận chuyển đã được tháo gỡ nhờ sự kết nối tích cực của các bộ với doanh nghiệp.

Nhìn lại những khó khăn trong lưu thông, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long muốn phát triển thì phải xem là một thể thống nhất.

Vướng mắc trong lưu thông hàng hóa trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, sự ùn tắc do nhiều nguyên nhân; trong đó quan trọng là các tỉnh thành đã đưa ra các quy định về kiểm tra xe lưu thông hàng hóa theo các cách thức khác nhau, gây ách tắc.

Bộ Giao thông Vận Tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ nắm bắt khó khăn của các địa phương để hướng dẫn tạo đường xanh, tạo thuận lợi và ưu tiên cho hàng hóa thiết yếu; trong đó có nông sản lưu thông nhanh hơn trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, một số địa phương có thể hiểu chưa đầy đủ hướng dẫn này nên đưa ra những quy định quá chặt chẽ.

Ông Trần Bảo Ngọc nhận định, ban đầu do lúng túng nhất định của các địa phương nên việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa bàn gặp trục trặc, đến nay đã khắc phục đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, đâu đó còn những địa phương đưa ra quy định hàng thiết yếu, điều kiện xét nghiệm nhanh hoặc PCR đối với tài xế, phụ xế…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục