Trong suốt hải trình hơn 1.000 hải lý từ đất liền ra thăm, động viên quân và dân tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, giai điệu bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long: “Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...” cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí người viết, kể cả trong giấc ngủ chập chờn chao lắc giữa đại dương mênh mông...
Vượt trùng khơi ra thăm đảo
Đầu tháng 5/2019, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cùng gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước đã “hội quân” tại Khách sạn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa để bắt đầu hải trình 8 ngày (từ 4-12/5) để thăm, tặng quà cho quân và dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước khi tàu kiểm ngư KN 491 làm cầu nối chở đoàn công tác rời Cảng biển quốc tế Cam Ranh, Đoàn công tác số 9 do đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nghiệm Chính trị Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn đã tổ chức buổi gặp phổ biến kế hoạch của hải trình.
Đúng 17 giờ ngày 4/5, tàu xuất phát. Sau gần hai ngày vượt trùng khơi, sáng 6/5, tàu KN 491 đã đưa đoàn công tác tới khu vực Đảo Đá Lớn B, điểm đến đầu tiên của hải trình. Giữa trùng khơi của biển, sự mệt mỏi nhanh chóng tan biến khi trưởng tàu thông báo các đại biểu xuống xuồng để vào thăm đảo.
Đặt chân lên đảo, hình ảnh đầu tiên mà bất kỳ ai cũng nhìn thấy, đó là cột mốc chủ quyền và hình ảnh người chiến sỹ hải quân đang bồng súng đứng gác trang nghiêm, với khuôn mặt đen sạm, rắn rỏi.
Nói là đảo nhưng toàn là biển nước. Doanh trại của các chiến sỹ chỉ là ngôi nhà được xây dựng trên nền đá san hô ngập nước, không sân, không vườn. Nhưng nhờ tình yêu và lòng quyết tâm của những người lính, mà nơi đâu trên đảo cũng thấy rõ sự sống bất diệt. Trên đảo, các chiến sỹ vẫn tăng gia sản xuất, nuôi lợn gà. Rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa muôn trùng sóng nước.
[Hành trình ‘khai sáng’ tư duy hướng mạnh ra biển, giàu lên từ biển]
Rời đảo chìm Đá Lớn B, trở về tàu để tiếp tục chuyến hải trình thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sống và làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi thấy tự hào khi Thượng úy Hoàng Văn Cảnh-Chỉ huy trưởng điểm Đảo Đá Lớn B khẳng định với đoàn công tác sẽ luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, ngày đêm sát cánh bên nhau để giữ gìn toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Khác với Đá Lớn B, Đảo Sinh Tồn Đông cây cối khá nhiều, phổ biến là cây bàng vuông mà nhiều người đã nhắc đến. Trên đảo còn nhiều rau và hoa. Ấn tượng nhất là khu nhà tăng gia sản xuất, chăn nuôi lợn, gà, vịt,... được các chiến sỹ chăm sóc rất tốt. Hệ thống điện trên đảo cũng đáp ứng đủ nhờ khai thác tối đa các nguồn năng lượng sạch như Turbine gió và tấm pin mặt trời.
Từ ngày 7/5 đến ngày 10/5, Đoàn công tác tiếp tục đến thăm các đảo Tốc Tan C, Phan Vinh B, Thuyền Chài B, An Bang, Đá Đông C, Trường Sa Đông, Đá Tây A. Tại các cuộc gặp, đại diện đoàn công tác đã biểu dương ý chí và quyết tâm của các cán bộ chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió, đã kiên trì vượt mọi gian khổ để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những món quà thiết thực, ý nghĩa như tủ đông lạnh, tivi, nhu yếu phẩm cùng đặc sản các vùng miền đã được đoàn công tác vận chuyển từ đất liền đến trao tận tay chiến sỹ trên các điểm đảo.
Đáng nhớ nhất là buổi vào thăm đảo An Bang. Tại đây, việc tiếp cận được đảo rất khó khăn, đoàn công tác không thể đến đảo bằng xuồng máy mà phải dùng xuồng kéo.
Thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương (Ban Thi đua khen thưởng Trung ương) đã ghi nhận, biểu dương những thành tích mà tập thể cán bộ các thời kì của đảo An Bang đạt được. Đặc biệt, ông Hà vô cùng ấn tượng trước con số hơn 6 tấn rau xanh, 1,2 tấn thịt lợn, gà, hơn 1 tấn cá mà đơn vị đạt được trong năm 2018. Bởi lẽ, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, diện tích nuôi trồng nhỏ mà các cán bộ, chiến sỹ đã đạt được những kết quả mà một số vùng trong đất liền phải học tập.
Bày tỏ sự vui mừng trước chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác số 9, đồng chí Nguyễn Hồng Tiến, Chính trị viên đảo An Bang cho biết, tập thể cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang rất xúc động trước những hơi ấm, phần quà ý nghĩa, thiết thực từ đất liền mà đoàn công tác mang đến. Chính trị viên đảo An Bang cũng khẳng định các chiến sỹ trên đảo sẽ giữ chắc tay súng, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo quê hương.
Những giây phút nghẹn ngào!
Tại Đảo Trường Sa lớn, nơi được xem là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa, ngay khi tàu cập cảng, đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân, đặc biệt là các cháu nhỏ ra chào đón trong niềm hân hoan, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Chứng kiến cảnh quân và dân xếp hàng chào đón, các thành viên trong đoàn công tác, ai ai cũng vui mừng, như được trở về đất liền sau bao ngày xa vắng.
Xúc động nhất là nghi lễ chào cờ với “10 lời thề” thể hiện ý chí quật cường, niềm kiêu hãnh của Trường Sa, tình yêu với Tổ quốc và tiếng hát quốc ca hào hùng cất vang xua tan cái nóng trên đảo. Những nén nhang và những giọt nước mắt xúc động tại Đài liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ; hay viên gạch tại Chùa Trường Sa mòn nhẵn không phải chỉ vì thời gian mà còn vì những cái cúi đầu thành kính, thấm đẫm tâm nguyện cho chủ quyền biển đảo và bình yên của Tổ quốc.
Đảo Trường Sa lớn cũng là điểm dừng chân lâu nhất của đoàn công tác, từ 13 giờ 30 chiều đến 21 giờ tối, do đó nhiều thành viên trong đoàn đã tranh thủ đi thăm quanh đảo, gặp gỡ nói chuyện với các hộ gia đình, thăm trường học, được hòa mình trong buổi tối giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân, đất liền và biển đảo…
Kết thúc chương trình văn nghệ, Đoàn công tác chia tay cán bộ chiến sỹ, cùng người dân trên đảo trong tiếng nghẹn ngào của nước mắt. Con tàu KN 491 không biết bao lần gióng lên tiếng còi xuất phát nhưng đành phải nén lại bởi lời thề của các chiến sỹ hải quân cứ văng vẳng bên tai: “Trường Sa vì Tổ quốc.” “Trường Sa vì Tổ quốc.” Và những tiếng hô vang của các đại biểu trên tàu “Tất cả vì Trường sa thân yêu” cùng tiếng hát đứt quãng, lưu luyến của người đi, người ở lại.
[Triển lãm bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam]
Trong hải trình 8 ngày đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đoàn Công tác cũng đã tổ chức 2 lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với nghi lễ trang nghiêm trong niềm xúc động sâu sắc, trước anh linh của những cán bộ, chiến sỹ hải quân đã anh dũng hy sinh vì biển đảo của quê hương.
Tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, Đoàn công tác đã tổ chức lễ tưởng niệm, thể hiện niềm tiếc thương vô hạn, kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn 64 liệt sỹ đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sự sống của mình cho sự bình yên của Tổ quốc. Dẫu biết rằng sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Phan Tiến Hải-Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An không khỏi xúc động: “Tôi đã dự nhiều lễ tưởng niệm, nhưng lễ tưởng niệm giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc đã làm cho tôi và hầu hết các thành viên trong đoàn rơi nước mắt. Bởi nơi đây, 64 chiến sỹ hải quân đã anh dũng hy sinh để giữ biển đảo, chủ quyền của đất nước...”
Trước lúc kết thúc hải trình, tàu KN 491 đã chở đoàn công tác tới thăm Nhà giàn DK1. Chúng tôi càng khâm phục các chiến sỹ nơi đây vì Nhà giàn nằm giữa biển, cao chênh vênh. Đâu đó vang lên lời của Bác Hồ từng căn dặn: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển của ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn.”
Ngay sau đó, Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh giữa biển Đông, và đó cũng là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ. Tại lễ tưởng niệm, các thành viên đoàn công tác được nghe kể về tấm gương và sự hy sinh anh dũng của Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng cùng các đồng đội tại nhà giàn DKI/3 Phúc Tần đã căng mình chống chọi với sức tàn phá của cơn bão có sức gió giật cấp 12 đổ bộ biển Đông chiều 4/12/1990.
Đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ chiến sỹ xuống biển, 3 đồng chí đã mãi mãi nằm lại biển khơi. Xúc động nhất là hành động cao đẹp của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng-Trạm phó Chính trị Nhà giàn DKI/3 Phúc Tần trong cận kề sự sống và cái chết đã nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất để rồi ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Và còn đó, ý chí quyết tâm, chấp nhận hy sinh để bám trụ Nhà giàn DKI/16 Phúc Nguyên tới cùng của Đại úy Vũ Quang Chương-Trạm trưởng và 2 Chuẩn úy Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng trong cơn bão số 8 năm 1998; hay tấm gương của Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là,... đã dũng cảm hy sinh thân mình trước giông bão, tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn.
Giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, những bông hoa cúc vàng cùng hơn 200 con hạc trắng do tự tay các thành viên đoàn công tác gấp đã được thả xuống biển khơi, gửi gắm lòng biết ơn vô hạn với những anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng xương máu, tính mạng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo đất nước.
Sau nghi thức tưởng niệm, con tàu KN491 đã áp sát Nhà giàn DK1/17 để chính thức thực hiện buổi thăm và làm việc, nhưng do sóng to gió lớn nên các thành viên trên tàu đã không thể lên được nhà giàn. Qua bộ đàm, đội Văn nghệ xung kích Cần thơ cất vang tiếng hát như gửi trọn tâm tình đến các chiến sỹ, tiếng hát lẫn vào tiếng sóng gió biển khiến các chiến sỹ nghe đứt quãng. Tất cả đều xúc động, khâm phục, biết ơn những người lính biển.
[Việt Nam kiên quyết bác bỏ quyết định cấm đánh cá của Trung Quốc]
Thay mặt gần 200 thành viên trên tàu, Thiếu tướng Phạm Văn Luyện, Chuẩn đô đốc, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải Quân - Trưởng đoàn công tác đã gửi lời thăm hỏi, động viên, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn; chúc tất cả các cán bộ chiến sĩ Nhà giàn Phúc Tần mạnh khỏe, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan, thường xuyên giám sát nắm chắc tình hình mặt biển, luyên tập chắc phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra.
“Đoàn công tác xin hứa với các đồng chí sẽ mang hơi ấm của đất liền đến chiến sĩ ở các Nhà giàn, mong các đồng chí tiếp tục phấn đấu rèn luyện cùng với quân dân cả nước giữ vững quyền, chủ quyền quốc gia trên biển thềm lục địa dầu khí phía Nam của Tổ quốc. Chúc các đồng chí khỏe và luôn tin tưởng vào đất liền,” Thiếu tướng Phạm Văn Luyện nhấn mạnh.
Trước lúc trở về đất liền, tàu KN 491 đã hú ba hồi còi tạm biệt, rồi đi quanh khu vực nhà giàn chào tạm biệt. Hầu hết các đại biểu trên tàu, ai cũng xúc động, nhiều người đã không kìm nổi nước mắt. Xa xa, vẫn trông thấy các chiến sĩ nhà giàn vẫy chào, trên tay họ, lá cờ đỏ Tổ quốc tung bay như muốn gửi gắm tình cảm thân thương cho người từ đất liền ra Nhà giàn DK1.
Qua chuyến công tác này, các thành viên trong đoàn công tác nhận thức sâu sắc hơn vai trò và trí của biển đảo, thềm lục địa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi cán bộ trong đoàn công tác càng thấy yêu quê hương đất nước, tự hào trong mình mang dòng máu Lạc Hồng và sống thế nào để có trách nhiệm hơn, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và vững mạnh../.