Hai trẻ nhỏ ở Đắk Nông nguy kịch nghi do bị sốt rét rất nặng

Hai bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng sốt cao, thiếu máu; trong đó một trẻ sốt kèm thở mệt, một trẻ bị sốt kèm tiêu chảy.
Hai trẻ nhỏ ở Đắk Nông nguy kịch nghi do bị sốt rét rất nặng ảnh 1Màn ngủ được tẩm hóa chất để phòng chống bệnh sốt rét. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhi bị sốt rét rất nặng từ tỉnh Đắk Nông chuyển xuống.

Hai bệnh nhi là Hòa Trường G (5 tuổi) và Trần Công K (5 tháng tuổi), cùng ngụ tỉnh Đắk Nông được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cách nhau vài ngày trong tình trạng sốt cao, thiếu máu; trong đó một trẻ sốt kèm thở mệt, một trẻ bị sốt kèm tiêu chảy.

Theo người nhà bệnh nhi, ban đầu hai bé có dấu hiệu sốt cao, nghi sốt thông thường, gia đình đã đưa đi khám tại bệnh viện địa phương nhưng không phát hiện bệnh.

Sau khi bệnh nhi sốt cao liên miên không hạ, gia đình mới đưa xuống Bệnh viện Nhi đồng 1. Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai bệnh nhi đều có chỉ số ký sinh trùng sốt rét rất nặng.

Sau khi điều trị tích cực, hiện bệnh nhi Hòa Trường G đã ổn định sức khỏe, bệnh nhi Trần Công K vẫn phải theo dõi đặc biệt trong phòng cấp cứu.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh cho rằng do bệnh sốt rét đã nhiều năm ít xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt trên trẻ em nên đa phần các bác sỹ không nghĩ đến bệnh và thường bỏ qua chỉ định xét nghiệm máu để tìm ký sinh trùng.

Nếu không điều trị kịp thời, sốt rét có thể diễn tiến thành ác tính khiến trẻ thiếu máu nặng, suy hô hấp, gan to, lách to, tổn thương đa cơ quan và nhanh chóng tử vong sau 48 đến 72 giờ.

Bác sỹ Khanh khuyến cáo do hai bệnh nhi ngụ cùng tỉnh nên địa phương cần xem xét để kiểm soát bệnh, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do muỗi anopheles lây truyền, thỉnh thoảng xuất hiện ở người lớn, hiếm khi có trẻ nhỏ mắc. Sốt rét có những biểu hiện như các cơn sốt cao liên miên, rét run toàn thân, môi tái, mắt quầng, nổi da gà. Khi sang giai đoạn ác tính, bệnh nhân có thể rối loạn ý thức, ly bì hoặc vật vã, cuồng sảng, nói lảm nhảm, sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều…

Để phòng tránh sốt rét, các bác sỹ khuyến cáo người dân tuân thủ ngủ màn, giữ vệ sinh môi trường, diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt, cẩn trọng khi đi đến các vùng có dịch sốt rét lưu hành.

Khi bị sốt với dấu hiệu sốt rét, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm, điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục