Hai thành viên Hội đồng quản trị BIDV nghỉ hưu theo chế độ

Ông Bùi Quang Tiên và ông Nguyễn Văn Lộc thôi không còn là thành viên Hội đồng quản trị BIDV để nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/6/2019.
Hai thành viên Hội đồng quản trị BIDV nghỉ hưu theo chế độ ảnh 1Ông Bùi Quang Tiên không còn là thành viên Hội đồng quản trị BIDV từ 1/6 về nghỉ hưu theo chế độ. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã BID) vừa công bố thông tin về việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng.

Theo đó, ông Bùi Quang Tiên và ông Nguyễn Văn Lộc thôi không còn là thành viên Hội đồng quản trị BIDV để nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/6/2019.

Ông Bùi Quang Tiên và ông Nguyễn Văn Lộc và đều sinh năm 1959 và năm nay đã 60 tuổi.

Ông Bùi Quang Tiên được bầu vào Hội đồng quản trị BIDV vào tháng 5/2017 và là người đại diện cho 30% vốn của nhà nước tại ngân hàng này. Tháng 5/2018, ông được bổ nhiệm phụ trách điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017-2022, sau khi ông Trần Anh Tuấn xin thôi nhiệm.

[Đại hội BIDV: Nóng chuyện đàm phán với cổ đông chiến lược]

Ông Bùi Quang Tiên từng ở vị trí Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước trước khi về gia nhập BIDV từ ngày 1/5/2017.

Còn ông Nguyễn Văn Lộc được bầu vào Hội đồng quản trị BIDV từ ngày 23/5/2015.

Với biến động nhân sự trên, Hội đồng quản trị BIDV hiện chỉ còn 7 thành viên tham gia, bao gồm ông Phan Đức Tú với vai trò Chủ tịch và 6 thành viên khác là: bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Trần Thanh Vân, bà Phan Thị Chinh, ông Ngô Văn Dũng, ông Phạm Quang Tùng và ông Lê Việt Cường.

Năm 2019, BIDV đặt kế hoạch tín dụng tăng trưởng 12% và trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước giao; huy động vốn tăng trưởng 11%, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn; phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Đặc biệt, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm ngoái.

Để thực hiện mục tiêu trên, BIDV sẽ tập trung xây dựng, ban hành và triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược cấu phần đối với từng đối tượng khách hàng, trong đó tập trung ưu tiên bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và FDI.

Đáng chú ý, trong năm nay ngân hàng sẽ tập trung nâng cao chất lượng tài sản, đặc biệt là chất lượng tín dụng, quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC và phấn đấu mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục