Hai thành phố Cao Lãnh và Hòa Bình được công nhận là đô thị loại II

Sang năm 2025, thành phố Cao Lãnh và Hòa Bình đã được công nhận là đô thị loại II, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bước sang năm mới 2025, thêm hai thành phố được mở rộng, nâng loại đô thị là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Thành phố Cao Lãnh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Công văn số 07/TTg-CN công nhận thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp có phạm vi nội thành mở rộng thêm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác các nội dung, số liệu, thông tin, trình tự, thủ tục của hồ sơ báo cáo rà soát phân loại đô thị thành phố Cao Lãnh mở rộng nội thành theo tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp nêu trên bảo đảm đúng quy định của pháp luật và các quy định có liên quan.

Cao Lãnh là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp, có vị trí địa lý trung tâm của tỉnh, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 155km về phía Tây-Tây Nam. Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg công nhận thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT.846 đã hoàn thành, đưa vào sử dựng, giúp kết nối thành phố Cao Lãnh với các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Về chức năng-vai trò, thành phố Cao Lãnh là trung tâm tổng hợp cấp vùng có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố có 8 phường và 7 xã với tổng diện tích tự nhiên 108,09km2. Tính đến cuối năm 2023, quy mô dân số toàn đô thị khoảng 184.000 người, tỷ lệ dân số khu vực nội thị đạt 53,29%. Mật độ dân số toàn đô thị đạt 2.257 người/km2.

Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt 8,94%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, tăng vượt so với mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người/tháng bằng 1,51 lần so với trung bình cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 1%...

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, thành phố Cao Lãnh đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính xã Mỹ Ngãi vào phường 11 trong giai đoạn 2023 - 2025 theo quy định.

Cụ thể, xã Mỹ Ngãi có diện tích tự nhiên 6,19km2, quy mô dân số 5.312 người. Phường 11 có diện tích tự nhiên 8,24km2, quy mô dân số 13.340 người. Phường Mỹ Ngãi (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Mỹ Ngãi vào phường 11.

Thành phố Hòa Bình

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg công nhận thành phố Hòa Bình là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hòa Bình.

Phạm vi đô thị thành phố Hòa Bình gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Hòa Bình hiện hữu có tổng diện tích tự nhiên là 348,65 km2. Khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 12 phường hiện hữu và 1 xã dự kiến thành lập phường (xã Mông Hóa) có tổng diện tích tự nhiên là 169,87 km2. Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 6 xã hiện hữu có tổng diện tích tự nhiên là 178,78 km2.

Thành phố Hòa Bình (Ảnh Trọng Đạt/TTXVN)

Thành phố Hòa Bình là trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh Hòa Bình, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo; đầu mối giao lưu của Vùng Tây Bắc. Thành phố Hòa Bình được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hòa Bình tại Quyết định 2076/2005/QĐ-BXD ngày 4/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và thành lập thành phố Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình tại Nghị định số 126/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ.

Xây dựng thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình, được cụ thể hóa tại Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 31/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình lần thứ II.

Trên cơ sở đó, thành phố Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 11,93%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Thu nhập bình quân đầu người bằng 1,51 lần so với cả nước; cân đối thu-chi ngân sách dư. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 82,2%; diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5m2 sàn/người.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, còn 1,38%; tỷ lệ đường phố chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ nhà kiên cố khoảng 97,06%. Tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 49,18%.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục