Nhiều tín hiệu lạc quan
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi bị sụt giảm gần 13% trong tháng Một năm nay do nghỉ Tết kéo dài, sản xuất công nghiệp tháng Hai vừa qua đã lấy lại được đà tăng trưởng rõ rệt 10% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ 2011; trong đó các sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất đều đạt được mức tăng trưởng khá.
Cùng nhịp với sản xuất, xuất khẩu hai tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng ấn tượng 24,8%, cao gấp đôi so với nhập khẩu, giúp nhập siêu không chỉ bị khống chế ở mức 4,1% so với kim ngạch xuất khẩu mà còn giảm cả về kim ngạch tuyệt đối với 628 triệu USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê dựa trên so sánh với cùng kỳ 2011 với các con số nhập siêu tương ứng là 14,8% và 1,8 tỷ USD, kết quả đạt được trong hai tháng đầu năm này thực sự là những tín hiệu tốt để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thêm vào đó, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai vừa qua có tốc độ tăng 1,37% so với tháng Một nhưng tính chung hai tháng đầu năm nay, CPI chỉ tăng 2,38%-mức tăng gần thấp nhất so với cùng kỳ mười năm lại đây (chỉ sau mức tăng hai tháng đầu năm 2009).
Theo dự báo của Tổ điều hành Thị trường trong nước, với các giải pháp đẩy mạnh sản xuất tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào giúp giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu hạ nhiệt so với tháng Tết và đi vào chu kỳ ổn định, CPI tháng Ba này sẽ chỉ tăng khoảng 0,5%.
Cùng cái nhìn lạc quan này, Hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings cũng dự báo rằng kinh tế Việt Nam đang đi vào ổn định với lạm phát và cán cân thương mại đang tốt lên dần. “Đây là bằng chứng cho thấy Nghị quyết 11 đang phát huy tác dụng.”
Vẫn còn nhiều thách thức
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định rằng bên cạnh những tín hiệu tích cực, kinh tế hai tháng đầu năm vẫn đang đối mặt với ba thách thức lớn khi tồn kho tăng cao, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực chịu sức ép giảm giá, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng khiến sản xuất chưa thể bứt phá ngay trong thời gian tới.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng trưởng trở lại vào tháng Hai vừa qua nhưng IIP công nghiệp chế biến (ngành chiếm khoảng 70% giá trị toàn ngành công nghiệp) chỉ tăng thấp 5% , IPP công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước, gas cũng chỉ tăng 2,4%.
Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ một số ngành đang giảm mạnh gồm: chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản giảm 10,4%; sản xuất giày, dép giảm 21,7%, sản xuất đồ uống không cồn giảm 30,4%, sản xuất sắt, thép giảm 34%, sản xuất ximăng giảm 37,8%, sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 39,3%, sản xuất xe có động cơ giảm 44%, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 54,8%...
Vì vậy, chỉ số tồn kho tại thời điểm này của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao gồm chế biến và bảo quản rau quả tăng 80,6%, sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 71,9%, sản xuất sắt, thép tăng 53,4%.
Đáng lo ngại hơn, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng cũng như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ các nước xuất khẩu gạo khác nên kim ngạch xuất khẩu hai tháng qua đã giảm 43% so với cùng kỳ, chủ yếu là do giảm sản lượng. Xuất khẩu càphê cũng giảm tới 17% trong khi xuất khẩu thủy sản cũng đối mặt với khó khăn về thị trường và khả năng thanh toán do kinh tế của nhiều nước châu Âu đang lâm vào khó khăn.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vẫn gặp khó khăn khi phải vay vốn với lãi suất hơn 20%/năm cho dù nhiều ngân hàng thương mại lớn công bố giảm lãi suất.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trần Thiện Hải, năm nay, các doanh nghiệp trong ngành cần khoảng 26.000 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu chế biến nhưng lãi suất vẫn cao nên khó tiếp cận vốn vay.
Thúc đẩy sản xuất và lưu thông
Tại buổi họp báo trực tuyến chiều 5/3 về tình hình sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải khẳng định rằng giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa; đồng thời đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong điều kiện hiện nay vẫn là tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ và thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tính toán các yếu tố đầu vào, tăng cường tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Võ Văn Quyền cũng cho hay hiện một số siêu thị trong chuỗi siêu thị Fivimax ở Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đóng cửa do không đạt được thỏa thuận hợp đồng thuê địa điểm đất đai với chủ đầu tư. Do vậy, giải pháp để tăng cường hệ thống phân phối hiện đại, góp phần lưu thông hàng hóa tốt nhất cũng như bình ổn thị trường chính là phải để cho doanh nghiệp phân phối bán lẻ tiếp cận tốt nhất với chính sách ưu đãi đầu tư của nhà nước về tín dụng, đất đai.
Về các giải pháp tháp gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, Vụ Phó Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Phan Thị Diệu Hà khẳng định rằng giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; trong đó có gạo chính là tăng cường chương trình xúc tiến thương mại nhằm khơi thông thị trường, tăng cường xuất khẩu qua con đường biên mậu cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan đề ra các giải pháp tạm trữ lúa gạo hợp lý để tránh sức ép rớt giá.
Bà Hà cũng cho biết hiện Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo và trong thời gian tới sẽ công bố chính thức để giúp doanh nghiệp vượt lên những khó khăn hiện nay./.