Ngày 16/6, hai tàu chở dầu Front Altair của Na Uy và Kokuka Courageous của Nhật Bản vừa bị tấn công tại Vịnh Oman đã cập bến an toàn ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Hai tàu này sẽ được đánh giá mức độ hư hỏng trước khi hàng hóa được bốc dỡ.
Việc đánh giá mức độ thiệt hại của hai tàu sẽ được bắt đầu sau khi nhà chức trách ở Sharjah, một trong 7 tiểu vương quốc của UAE, hoàn tất công tác kiểm tra an ninh.
Hiện Mỹ và Iran vẫn đổ lỗi cho nhau quanh vụ tấn công hai tàu chở dầu tại vùng Vịnh cho dù Chủ tịch Công ty vận tải Kokuka Sangyo của Nhật Bản hôm 14/6 vừa qua cho rằng "vật thể bay" tấn công tàu chở dầu Kokuka Courageous ở Vịnh Oman.
Ông Yutaka Katada cũng bác bỏ khả năng con tàu bị ngư lôi tấn công vì: "Hư hại nằm ở phía trên mặt nước biển. Nếu là ngư lôi nó sẽ phải nằm dưới mặt nước."
Tàu Kokuka Courageous bị tấn công khi đang trên đường chở 25.000 tấn methanol đến cảng Khor Fakkan của UAE ngày 13/6 vừa qua.
[Sự cố tàu trên Vịnh Oman: Đại sứ Anh bác bỏ việc bị Iran triệu tập]
Một tàu chở dầu khác là Front Altair của Na Uy cũng bị tấn công cùng ngày.
Mỹ và các đồng minh đổ cho Iran thực hiện các vụ tấn công và Washington đã lập tức điều tàu khu trục USS Mason đến vùng Vịnh để hỗ trợ.
Tuy nhiên Tehran bác bỏ các cáo buộc này. Để chứng minh cáo buộc, Mỹ tung ra đoạn clip ghi lại hình ảnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang gỡ một số vật thể được cho là mìn còn sót lại được gắn bên hông tàu Kokuka Courageous.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Mỹ cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh là "vô căn cứ" và nằm chiến dịch "ngoại giao phá hoại."
Phía Tehran cũng nghi ngờ chính Mỹ đứng đằng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu trên./.