Hải quan: Xuất nhập khẩu Việt Nam dự kiến đạt 782 tỷ USD trong năm 2024

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam vẫn đạt kết quả khích lệ về xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch dự báo đạt 782 tỷ USD cả năm 2024, khẳng định vị thế trong thương mại quốc tế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 745 tỷ USD trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến 14/12/2024. (Ảnh: Vietnam+)
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 745 tỷ USD trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến 14/12/2024. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 19/12, Tổng cục Hải quan công bố số liệu cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 745 tỷ USD trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến 14/12/2024, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 384 tỷ USD, tăng gần 14,5%, trong khi nhập khẩu đạt xấp xỉ 361 tỷ USD, tăng 16,3%. Giá trị hàng hóa thông quan tăng trưởng mạnh ở cả hai chiều và cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 23,4 tỷ USD, song giảm gần 2,3 tỷ USD so với mức thặng dư 25,71 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Trên nền tảng đó, Tổng cục Hải quan dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 782 tỷ USD với mức xuất siêu ước đạt 23,5 tỷ USD.

Về công tác thu ngân sách Nhà nước, ngành Hải quan đã hoàn thành vượt mức dự toán được Quốc hội giao. Tính đến ngày 14/12, số thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 402.680 tỷ đồng, vượt 107,4% dự toán và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, tổng thu ngân sách cả năm 2024 sẽ đạt từ 418.000 đến 420.000 tỷ đồng, tương đương 111,5%-112% dự toán, tăng 13,4%-13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi nợ thuế của ngành cũng đạt được kết quả tích cực. Tính đến 30/11, nợ thuế còn 5.418 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cuối năm 2023. Tổng số tiền thu hồi và xử lý nợ thuế đạt gần 733 tỷ đồng, trong đó các Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương và Hà Nội có kết quả thu hồi nợ thuế nổi bật.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro, triển khai Kế hoạch Kiểm soát rủi ro năm 2024, tập trung vào phân tích địa bàn, xác định trọng điểm kiểm soát. Chuyên đề Kiểm soát rủi ro mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu đã phát hiện 45 vụ vi phạm. Cùng với đó, công tác soi chiếu của toàn ngành với khối lượng 114.463 container (trung bình 527 container/ngày), đã phát hiện 452 container vi phạm, chủ yếu là nhập khẩu hàng cấm, khai sai số lượng, chủng loại, hàng giả mạo xuất xứ, và hàng không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Những kết quả tích cực này cho thấy sự nỗ lực của ngành Hải quan trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo an ninh kinh tế và đóng góp vào sự phát triển kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hoãn tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25%, một phản ứng thận trọng trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ trong tháng 1/2025.

Ngân sách bổ sung cho tài khóa 2024 bao gồm chi tiêu cho các nỗ lực tái thiết ở Bán đảo Noto, nơi đã hứng chịu trận động đất mạnh hồi đầu năm và đợt mưa lớn vào tháng Chín. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung 90 tỷ USD

Quốc hội Nhật Bản đã thông qua ngân sách bổ sung trị giá 90 tỷ USD cho tài khóa hiện tại để tài trợ cho một gói kích thích kinh tế mới nhằm giảm bớt sức ép lạm phát và phục vụ tái thiết sau thảm họa.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. (Ảnh: THX/TTXVN)

ECB để ngỏ khả năng tiếp tục giảm lãi suất

Chủ tịch ECB nói rằng kinh tế khu vực đang tiến gần hơn đến mức mục tiêu lạm phát 2%. Nếu dữ liệu lạm phát sắp công bố đi theo xu hướng này thì ECB dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất.

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik/TTXVN)

Xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc vẫn ổn định

Bộ trưởng Tài chính đã nhấn mạnh rằng các hệ thống quản lý và giám sát tài chính tiền tệ của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm thị trường và các cơ chế quản lý khủng hoảng, đang hoạt động bình thường.