Hải quan Việt Nam dự kiến đề xuất đưa vào kế hoạch hành động hải quan ASEM chiến dịch "Hải quan xanh."
Đây là một trong những nội dung dự kiến đáng chú ý tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 13 do Tổng cục Hải quan Việt Nam chủ trì sẽ được tổ chức vào 9-10/10 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Từ 4 ưu tiên chính
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM dự kiến sẽ có khoảng 53 đoàn đại biểu đến từ cơ quan hải quan của các nước thành viên ASEM, Ban Thư ký ASEAN, Liên minh Châu Âu. Tổng số lượng đại biểu tham dự khoảng từ 150-180 đại biểu.
[Cảnh báo phế liệu nhập khẩu sẽ đổ mạnh vào Việt Nam trong năm nay]
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM tổ chức 2 năm một lần đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn. Hội nghị chịu trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế/Thương mại ASEM.
Trước đó, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 12 vào năm 2017 đã phê duyệt kế hoạch hành động hải quan ASEM cho giai đoạn 2018-2019. Bốn ưu tiên chính đã được thống nhất là: Tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng; Đấu tranh chống hàng giả và thực thi Quyền sở hữu trí tuệ; Bảo vệ xã hội và môi trường; Kết nối cộng đồng và tầm nhìn ASEM.
Qua đó, trong ưu tiên "Tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng," hải quan các nước đã được kết quả đáng chú ý như: Xác định các biện pháp cụ thể để tiến hành hỗ trợ các nước thành viên ASEM trong việc xóa bỏ khoảng cách và thực hiện các yêu cầu liên quan đến xây dựng và thực hiện các chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO).
Trong chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan các nước tới nay đã cùng đánh giá tổng thể về những thông lệ tiên tiến về kiểm soát sở hữu trí tuệ lĩnh vực hải quan.
Các nước đã hỗ trợ lẫn nhau chống gian lận hàng giả, sử dụng tốt nhất các cơ chế kiểm soát hiện hành, kỹ thuật nghiệp vụ, số liệu thống kê và trao đổi thông tin về các xu hướng và các vụ bắt giữ.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định trong khuôn khổ hợp tác hải quan ASEM, Hải quan Việt Nam đã tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác, tham gia các phiên họp thường niên.
Hải quan Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn thực hiện đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan, hải quan phi giấy tờ và cơ chế một cửa tại các diễn đàn liên quan của ASEM.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết hàng hóa tồn đọng, đặc biệt là công tác quản lý phế liệu nhập khẩu tại cảng biển.
Đề xuất tăng cường kiểm tra phế liệu 6-8 tuần mỗi năm
Nối tiếp kế hoạch hành động hải quan ASEM 2018-2019, với vai trò là nước chủ trì hội nghị, hải quan Việt Nam dự kiến đề xuất một số nội dung ưu tiên để đưa vào kế hoạch hành động hải quan ASEM 2019 – 2020.
Những nội dung ưu tiên được VIệt Nam dự kiến là: Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc tăng cường tích hợp, kết nối các hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý hải quan hiệu quả; Thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp; Bảo vệ môi trường, xã hội, an ninh và tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng.
Đáng chú ý, Việt Nam dự kiến đề xuất đưa vào kế hoạch hành động hải quan ASEM hai chương trình.
Chương trình thứ nhất là "Triển khai chiến dịch Hải quan Xanh trong ASEM" trong lộ trình 2 năm 2020-2021. Qua đó, hải quan Việt Nam sẽ phát động chiến dịch này mỗi năm 1 đợt tăng cường kiểm tra đối với hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển trái phép phế liệu, rác thải.
Thời gian mỗi đợt tăng cường kiểm tra từ 6-8 tuần. Các thành viên đăng ký tham gia sẽ thực hiện kiểm tra tại một số cảng được lựa chọn sau đó có báo cáo theo mẫu do Việt Nam xây dựng gửi về cho hải quan Việt Nam tổng hợp.
Chương trình thứ 2 được Việt Nam dự kiến là: Kết nối chia sẻ thông tin thông qua việc thiết lập cơ chế liên lạc, trao đổi thông tin chung giữa các nước.
Lãnh đạo ngành hải quan Việt Nam cho rằng, một trong những ưu tiên của ASEM là tăng cường kết nối, giao lưu và hiểu biết giữa hai châu lục. Tuy nhiên, do không có đầu mối điều phối chung (Ban Thư ký) nên tính liên kết còn lỏng lẻo. Các hoạt động kết nối chia sẻ thông tin còn hạn chế, chỉ dừng lại ở việc thực hiện các chương trình hoạt động cụ thể.
Qua đó, mục đích chương trình là thiết lập cơ chế liên lạc, trao đổi thông tin chung giữa các thành viên ASEM. Hải quan Việt Nam sẽ là nước điều phối xây dựng mẫu và gửi cho các thành viên cung cấp thông tin về đầu mối liên lạc./.