Hải quân Trung Quốc đã vượt Mỹ về cả số lượng và chất lượng?

Hãng tin CNN của Mỹ đã "hào phóng" trao danh hiệu "hải quân lớn nhất thế giới" cho lực lượng hải quân Trung Quốc vì cho rằng Trung Quốc đã vượt Mỹ không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng.
Hải quân Trung Quốc đã vượt Mỹ về cả số lượng và chất lượng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Military Leak)

Thời báo Hoàn cầu đã đặt câu hỏi: với 11 siêu hàng không mẫu hạm, 90 tàu chiến Aegis, 50 tàu ngầm hạt nhân tấn công, Hải quân Mỹ vẫn chưa phải là hải quân số 1 thế giới?

Theo báo này, hãng tin CNN đã "hào phóng" trao danh hiệu "hải quân lớn nhất thế giới" cho lực lượng hải quân Trung Quốc vì cho rằng hải quân Trung Quốc đã vượt Mỹ không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng.

Trương Quân Xã - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải quân - đã nói với Thời báo Hoàn cầu ngày 7/3 rằng đây là một phiên bản khác của "Thuyết 'mối đe dọa từ Trung Quốc'" đầy dối trá và suy đoán vô căn cứ.

"Trung Quốc đã tạo ra một làn sóng đóng tàu chưa từng có"

CNN cho rằng “một cuộc đóng tàu điên cuồng chưa từng thấy trên thế giới đang diễn ra ở Trung Quốc.”

Theo dữ liệu từ Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), năm 2015, Hải quân Trung Quốc có 255 tàu chiến.

[Trung Quốc đã sẵn sàng về nhân lực cho các tàu sân bay mới?]

Báo cáo của ONI dự đoán đến cuối năm 2020, con số này đạt 360 tàu, nhiều hơn tàu của Hải quân Mỹ 60 chiếc, do đó hải quân Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Trong 4 năm tới, số lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ lên đến 400 chiếc. Ngược lại, Mỹ chỉ có kế hoạch nâng tổng số tàu chiến từ 297 chiếc hiện có lên 355 chiếc trong 30 năm tới.

Thời báo Hoàn cầu cho rằng không có gì lạ khi phương Tây “thổi phồng” số lượng tàu hải quân Trung Quốc, nhưng CNN lần này lại nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng tàu chiến của hải quân Trung Quốc.

Người phụ trách Hải quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển Mỹ đánh giá trong báo cáo hồi tháng 12/2020 như sau: “Chỉ trong 20 năm, lực lượng hải quân của Trung Quốc đã tăng hơn gấp 2 lần.

Hải quân Trung Quốc hiện lớn nhất thế giới và vẫn đang đóng các tàu nổi hiện đại, tàu ngầm, tàu sân bay, máy bay chiến đấu, tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tàu tuần tra hàng hải cỡ lớn và tàu phá băng... với tốc độ đáng kinh ngạc.”

CNN cũng cho rằng tính năng của một số thiết bị vũ khí của Hải quân Trung Quốc tương đương hoặc thậm chí vượt trội so với Hải quân Mỹ và các cường quốc hải quân khác.

Ví dụ, tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc vượt trội so với tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ về hỏa lực.

Ông Andrew Eriksson, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu các vấn đề hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh trên biển của Mỹ, nhận xét: "Các tàu chiến mà Hải quân Trung Quốc nhận được không phải là những con tàu 'vô dụng' của ngành đóng tàu Trung Quốc, mà ngày càng hiện đại và có nhiều tính năng tiên tiến."

Tuy nhiên, điều mà CNN quan tâm hơn cả là làn sóng đóng tàu “điên cuồng” của hải quân Trung Quốc cho thấy "không quốc gia nào có thể sánh được với ngành đóng tàu Trung Quốc, ngay cả những nỗ lực đóng tàu 'điên cuồng' của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới II cũng không thể bằng."

Theo CNN, trong thời kỳ đóng tàu đỉnh cao của Chiến tranh Thế giới II, Mỹ đã đóng tàu với lượng choán nước mỗi năm là 18,5 triệu tấn, trong khi tổng lượng choán nước của các tàu do Trung Quốc đóng vào thời bình năm 2019 lên tới 23 triệu tấn.

Hải quân Mỹ vẫn có lợi thế trong nhiều lĩnh vực

Thời báo Hoàn cầu cho rằng Hải quân Mỹ vẫn duy trì lợi thế trong nhiều lĩnh vực.

Hải quân Mỹ vẫn có nhiều tàu chiến chủ lực hơn Trung Quốc, bao gồm cả tàu khu trục tên lửa dẫn đường và tàu tuần dương. Điều này giúp Mỹ có lợi thế đáng kể về khả năng phóng tên lửa hành trình.

Thống kê chính thức từ Lầu Năm Góc cho thấy Hải quân Mỹ hiện có 22 tàu tuần dương lớp "Ticonderoga" và 68 tàu khu trục lớp "Arleigh Burke," tất cả đều được trang bị hệ thống Aegis tiên tiến.

Ông Nick Childers, chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết Mỹ có hơn 9.000 đơn vị phóng thẳng đứng trên các tàu nổi này, trong khi Trung Quốc chỉ có hơn 1.000.

Đồng thời, 50 tàu ngầm tấn công của Mỹ đang được biên chế đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi chỉ có 7 trong số 62 tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong lĩnh vực hàng không mẫu hạm được thế giới quan tâm hơn cả, khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ cũng rất rõ ràng.

Theo bài báo, 2 tàu sân bay đang phục vụ trong Hải quân Trung Quốc đều sử dụng động cơ thông thường, điều này hạn chế tầm hoạt động và số lượng máy bay hoạt động trên tàu sân bay.

Tóm lại, Hải quân Trung Quốc không thể so sánh với Hải quân Mỹ. Chỉ cần một tàu sân bay của Mỹ đi đến bờ biển của các quốc gia khác cũng tạo ra sự uy hiếp mạnh mẽ, trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc vẫn chưa tuần hành ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương, như vậy Hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể có lực lượng bao phủ toàn cầu.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Hải quân Mỹ

Về thông tin của CNN, ông Trương Quân Xã cho rằng đây là một phiên bản khác của "Thuyết 'mối đe dọa Trung Quốc'" đầy dối trá và suy đoán vô căn cứ.

Ông nói: "Trong những năm gần đây, một bộ phận quan chức Mỹ đã đưa ra những nhận xét 'giật gân' dựa trên những suy đoán vô căn cứ và thậm chí là dối trá để phóng đại Thuyết 'mối đe dọa từ Trung Quốc'.”

Thông tin của CNN dựa trên suy đoán thiếu căn cứ của ONI khi cho rằng Hải quân Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành hải quân lớn nhất thế giới.

Ông Trương Quân Xã cho rằng những dữ liệu được sử dụng trong bài báo đã chứng minh rằng kiểu suy đoán này là mâu thuẫn và không thuyết phục.

CNN nói rằng sự phát triển của hải quân sẽ cải thiện khả năng tác chiến ven biển của Trung Quốc, nhưng nếu các nước khác không cố gắng khiêu khích trước “cửa nhà” Trung Quốc, họ không nên lo lắng về sự cải thiện khả năng phòng thủ ven biển của Trung Quốc.

Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc cũng cho rằng việc CNN thể hiện sự lo lắng về Hải quân Trung Quốc trong các báo cáo của họ phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay mà Hải quân Mỹ đang phải đối mặt.

Các tàu chủ lực của Hải quân Mỹ về cơ bản được đóng với số lượng lớn từ những năm 1980, sau gần 40 năm sử dụng liên tục, đến nay đã bước vào giai đoạn chuẩn bị thay thế.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ không thể thực hiện việc thay mới hoàn toàn những con tàu cũ này, buộc phải đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc thu nhỏ quy mô hạm đội.

Ví dụ, Hải quân Mỹ đã quyết định loại bỏ 11 tàu tuần dương lớp "Ticonderoga" trong 4 năm tới, nhưng kế hoạch chế tạo tàu tuần dương tiếp theo thậm chí vẫn chưa được xác định.

Khó khăn hơn khi toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ đã thu nhỏ mạnh mẽ, Mỹ hiện chỉ còn giữ lại một số lượng nhỏ các nhà máy đóng tàu quân sự và sự “chảy máu” nghiêm trọng của các công nhân lành nghề đã làm chậm tiến độ đóng mới các tàu như tàu sân bay lớp "Ford" và đẩy chi phí đóng tàu lên cao, làm trầm trọng thêm tình trạng "thiếu kinh phí" của Hải quân Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục