Hải quan: Tối ưu hóa sức mạnh của công nghệ để ứng phó thách thức mới

Với vai trò hỗ trợ nền kinh tế phát triển lành mạnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Hải quan phải là một trong những ngành tiên phong trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ và Chuyển đổi Số.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. (Ảnh: Vietnam+)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. (Ảnh: Vietnam+)

“Khai thác sức mạnh của công nghệ để ứng phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu,” là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 10-12/10, tại Hà Nội.

Hải quan phải đi đầu trong Chuyển đổi Số

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đưa thế giới bước vào kỷ nguyên số cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và khả năng kết nối. Theo đó, tiến trình Chuyển đổi Số là xu thế tất yếu của toàn cầu và được các quốc gia ưu tiên cao trong phát triển kinh tế-xã hội. Bối cảnh trên, một mặt mở ra những cơ hội phát triển to lớn song cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, cách thức quản trị trong các ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực hải quan.     

Bên cạnh đó, tình hình chính trị-an ninh quốc tế diễn biến phức tạp. Hậu quả của đại dịch COVID-19 còn nặng nề, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc kiểm soát, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu thuế cung đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong tình hình đó, ngành Hải quan có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước. Điều này góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia.  

[Việt Nam đăng cai Hội nghị-Triển lãm Công nghệ Hải quan Thế giới]

Với vai trò đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Hải quan phải là một trong những ngành tiên phong trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ và Chuyển đổi Số.

Hải quan: Tối ưu hóa sức mạnh của công nghệ để ứng phó thách thức mới ảnh 1Hội nghị Công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan Thế giới, ngày 10/10. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng và phát triển ngành hải quan hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đồng thời đảm bảo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.     

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ ra Chiến lược Phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030 lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở; trong đó hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, từ đó đẩy mạnh thực hiện Chuyển đổi Số, xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới cũng như vai trò dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số.

Để thực hiện Chiến lược thành công đồng thời nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng cho biết thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phát triển quan hệ với các đối tác hải quan song phương và đa phương, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác và cam kết với các đối tác quốc tế. Quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế để đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước sẽ được đẩy mạnh.

Bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, Phó Thủ tướng mong muốn Tổ chức Hải quan Thế giới và các đối tác Hải quan hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả với Hải quan Việt Nam, thông qua các hình thức: Hỗ trợ kỹ thuật; Chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; Hỗ trợ Chuyển đổi Số; Hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị; Tối ưu hóa quy trình, thủ tục; Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu là xây dựng và thực hiện thành công hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh ở Việt Nam, góp phần vào sự lớn mạnh của hải quan thế giới.

Tiến tới Cơ chế Một cửa Quốc gia và khu vực

Chia sẻ tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết Hải quan Việt Nam là thành viên của Tổ chức Hải quan Thế giới đã tròn 30 năm. Với sự hỗ trợ của Hải quan Thế giới, đến nay ngành đã chuyển từ thủ tục hải quan thủ công sang phi giấy tờ đạt 99%. Thêm vào đó, thời gian thông quan các lô hàng từ 1-3 giây đạt 60%. Điều này góp phần bảo đảm lưu thông hàng hóa trên chuỗi cung cứng toàn cầu cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho cộng đồng và lợi ích quốc gia.

Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2022 đạt hơn 732 tỷ USD, đứng trong nhóm 20 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới. Trong tiến trình hội nhập này, Tổ chức Hải quan Thế giới đã có nhiều kết nối với các nước thành viên trong hợp tác song phương, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho cán bộ công chức Hải quan Việt Nam.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn Thời cho biết Hải quan Việt Nam đang triển khai kết nối Cơ chế Một cửa Quốc gia với các bộ, ngành và Cơ chế Một cửa ASEAN với các thành viên trong khu vực cũng như cơ quan Hải quan các nước theo hướng Hải quan số, Hải quan thông minh, Hải quan xanh đúng như khuyến nghị của WCO và chỉ đạo của Chính phủ.

Hải quan: Tối ưu hóa sức mạnh của công nghệ để ứng phó thách thức mới ảnh 2Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm gian hàng triển lãm. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Tổng thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới Kunio Mikuriya, công nghệ đã và đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế tại các quốc gia. Với tầm quan trọng đó, Hội nghị đã lựa chọn chủ đề “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp.”  

Tổng thư ký Kunio Mikuriya nhấn mạnh trong kỷ nguyên AI, thế hệ trẻ có khả năng tốt trong đón đầu công nghệ. Do đó, Hội nghị là cơ hội chia sẻ kiến thức, niềm tự hào của ngành Hải quan toàn cầu.

Hội nghị và Triển lãm Công nghệ là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay đối với Hải quan Việt Nam. Theo ban tổ chức, Hội nghị được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, khai mạc đúng ngày Chuyển đổi Số của Việt Nam (10/10). Mục tiêu nhằm truyền tải thông điệp đến thế giới về Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia và quyết tâm của Việt Nam.

Thông qua Hội nghị, các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt xu hướng và thành tựu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Từ đó xây dựng sự hiểu biết, chia sẻ, đồng hành cùng với cơ quan Hải quan trong tiến trình chuyển đổi số và hiện đại hóa hải quan.

Hội nghị cũng mở ra cơ hội cho các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm thế giới về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới cũng như cách thức giải quyết các thách thức trong quản lý, ứng dụng công nghệ và hoạt động thương mại.

Cụ thể, hội nghị có 10 phiên toàn thể và 9 phiên chuyên đề cùng các cuộc nói chuyện công nghệ. Trong khuôn khổ hội nghị, triển lãm quốc tế được tổ chức, với sự tham gia khoảng 50 gian hàng giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan và thương mại.

Tại các phiên toàn thể, các diễn giả sẽ thảo luận các chủ đề về ứng dụng công nghệ trong hoạt động hải quan, như: Ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, máy học, trí tuệ nhận tạo trong quản lý rủi ro; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy học, internet vạn vật trong soi chiếu hàng hóa; Ứng dụng công nghệ chuỗi khối và sổ lớn để tăng cường sự tin cậy và chất lượng dữ liệu

Các diễn giả cũng chia sẻ giải pháp ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu, như: Trao đổi thông tin qua cơ chế một cửa; Phát triển thương mại điện tử an toàn và bền vững; Đảm bảo an ninh, an toàn và tính liên tục của hệ thống hải quan có khả năng ứng phó với sự cố, thảm họa; Tác động của công nghệ đến môi trường làm việc của hải quan; Hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của cơ quan hải quan và thương mại quốc tế./.

Tại khu vực triển lãm, các gian hàng trưng bày và giới thiệu các công nghệ và thiết bị phục vụ yêu cầu quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại.

Về quản lý hải quan: các gian hàng giới thiệu về thiết bị soi chiếu (S2 Global, Rapiscan, Smiths Detection); Niêm phong điện tử cảm biến công nghệ định vị (Ascent Solutions Pte); Công nghệ AI trong phân tích thông tin hàng hóa đến trước (Publican); Công nghệ AI ngăn chặn hàng giả (Counter Check); Giải pháp về an ninh và kiểm tra (NucTech); Giải pháp về an ninh, chống buôn lậu và gian lận thương mại (Leidos); Giải pháp về quản lý rủi ro, tăng cường tuân thủ (Cargoes, GTS); Ứng dụng khoa học dữ liệu (Nexyte); ứng dụng phần mềm nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ quan hải quan (Microsoft).

Về tạo thuận lợi thương mại, các gian hàng giới thiệu về giải pháp chuỗi khối trong vận tải, thương mại, dịch vụ (Cargo X); Ứng dụng công nghệ trong dịch vụ cung ứng (Crimson Logic, Geodis); Cơ chế một cửa (GUUD International); Ứng dụng AI trong phát triển thương mại (Webb Fontaine)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục