Hải quan nhiều khả năng có thẩm quyền “truy đuổi”

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định rõ các cơ quan phối hợp với hải quan trong việc ngăn chặn các hành vi phạm luật.
Hải quan nhiều khả năng có thẩm quyền “truy đuổi” ảnh 1Bà Ngô Thị Minh - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 16/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Tán thành nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hải quan như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Theo các đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Đoàn Điện Biên), Trần Quang Chiểu (Đoàn Nam Định), Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội), cơ quan soạn thảo đã thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy trình xây dựng luật; hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc; đồng thời đã tiến hành tập hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định trong các điều ước quốc tế có liên quan, tham khảo kinh nghiệm, pháp luật của một số nước. Mặt khác, các quy định trong dự thảo Luật bám sát với quan điểm chỉ đạo, mục tiêu xây dựng Luật.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự án Luật Hải quan (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội trong nước, tác động sâu rộng tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các quy định trong Luật lại liên quan đến nhiều đạo luật chuyên ngành và nhiều điều ước quốc tế. Bên cạnh yêu cầu đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, hiện đại hóa hải quan và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, yêu cầu nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng được đặt ra.

Do đó, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế làm thất thu ngân sách nhà nước và tham ô, tham nhũng trong quá trình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Mặt khác, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, làm thất thu ngân sách Nhà nước và tham ô, tham nhũng trong quá trình hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Trao thẩm quyền “truy đuổi” cho lực lượng hải quan

Về thẩm quyền tiếp tục truy đuổi của lực lượng hải quan, nhiều đại biểu tán thành như đã nêu trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Nhất trí cao về điều này, đại biểu Đào Thị Xuân Lan (đoàn Hưng Yên) cho rằng thực tiễn khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm và trong quá trình theo dõi, đối tượng thường di chuyển ra ngoài địa bàn hải quan, trong khi Luật Hải quan hiện hành lại không cho phép lực lượng tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn cho nên, thời gian vừa qua đã bỏ lọt nhiều tội phạm.

Cũng theo đại biểu Đào Thị Xuân Lan, quy định này trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) không mẫu thuẫn với quy định với khoản 2 của Điều 91.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ các cơ quan chức năng tham gia phối hợp với lực lượng hải quan trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời xác định cho rõ trách nhiệm phối hợp của các lực lượng trong việc thực hiện biện pháp phòng chống buôn lậu quan đường biên giới, để bảo đảm công tác phòng chống buôn lậu ngày càng có hiệu quả hơn.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng trong việc đấu tranh phòng chống buôn lậu.

Liên quan đến việc xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung quy định của dự thảo Luật về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan và nhận thấy việc bổ sung này phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phù hợp với các quy định của Luật quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh), Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh đây là những quy định mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu khi làm các thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, để hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc áp mã số, xác định trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục thông quan, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ giá trị pháp lý của văn bản thông báo cho người khai hải quan, đồng thời xác định trách nhiệm của cơ quan hải quan trong trường hợp sai sót làm phát sinh các chi phí cho doanh nghiệp.

Về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, đại biểu Nguyễn Trọng Trường (đoàn Bắc Ninh) và một số đại biểu khác cho rằng việc bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan là cần thiết, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các quy định trong Công ước Kyoto của Tổ chức Hải quan Thế giới, đồng thời đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan.

Tuy nhiên, quy định này chưa khắc phục được những hạn chế nêu trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hải quan như chưa quy định nội hàm, nguyên tắc, nội dung quản lý rủi ro nên việc hiểu, áp dụng không thống nhất cả trong và ngoài ngành hải quan đã làm hạn chế tính hiệu lực, hiệu quả của phương pháp này.

Do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm và các nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan để bảo đảm tính khả thi trong các quy định của Luật.

Cũng trong chiều 16/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận các vấn đề như kiểm tra sau thông quan; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu và việc áp dụng cơ chế một cửa quốc gia; thủ tục hải quan điện tử; kiểm tra sau thông quan.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục