Hải quân Nhật Bản có nâng cấp tàu khu trục thành tàu sân bay?

Hiến pháp Nhật Bản cấm quân đội nước này được sở hữu các loại vũ khí mang tính chất tấn công và thay vì tàu sân bay, lực lượng hải quân Nhật Bản đã trang bị tàu khu trục mang máy bay trực thăng.
Hải quân Nhật Bản có nâng cấp tàu khu trục thành tàu sân bay? ảnh 1Tàu Izumo. (Nguồn: Reuters)

Theo mạng tin nationalinterest.org, Chính phủ Nhật Bản ngày 27/11 thông báo kế hoạch nâng cấp 2 tàu khu trục trang bị máy bay trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay để hỗ trợ cho các máy bay tiêm kích tàng hình F-35B.

Thông báo này được chính thức đưa ra sau nhiều năm đồn đoán, thậm chí còn trước cả khi tàu khu trục lớp Izumo được đưa vào sử dụng năm 2015.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya nói: "Kể từ khi chúng tôi được trang bị loại tàu này, chúng tôi đã mong muốn sẽ sử dụng chúng cho nhiều mục đích khác nhau. Chúng tôi muốn đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tìm tòi về vấn đề này."

[Hải quân Nhật Bản bổ nhiệm nữ chỉ huy đầu tiên cho hạm đội tàu chiến]

Tokyo được cho là có kế hoạch mua thêm 100 chiếc F-35 để bổ sung cho đơn hàng gồm 42 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình đã đặt mua năm 2011.

Loạt máy bay F-35 trong đơn hàng đầu tiên của Nhật Bản đều thuộc loại A, cần đường băng thông thường.

Lô máy bay mới này sẽ có loại máy bay tàng hình F-35B hạ cánh thẳng đứng, được sử dụng cho các loại tàu chiến với hợp đồng trị giá 8,8 tỷ USD.

Có thể nói, việc nâng cấp 2 tàu khu trục thành tàu sân bay không hề đơn giản. Tàu khu trục lớp Izumo thường quá nhỏ để có thể hoán cải thành tàu sân bay.

Hơn nữa, hải quân Nhật không có các hoạt động sử dụng máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu chiến kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai nên sẽ cần phải đào tạo phi công, nhân viên và những người vận hành để đảm bảo cho hoạt động của tàu sân bay.

Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có nhiều nước thành công trong việc cho máy bay cánh cố định hoàn toàn cất cánh từ các tàu chiến nhỏ.

Hiến pháp Nhật Bản sau chiến tranh cấm quân đội nước này được sở hữu các loại vũ khí mang tính chất tấn công.

Trong nhiều thập kỷ qua, lãnh đạo Nhật Bản đều có quan điểm đồng nhất rằng lệnh cấm đó đồng nghĩa với việc lực lượng hải quân không được sở hữu tàu sân bay.

Để né quy định này, lực lượng hải quân Nhật Bản đã trang bị tàu khu trục mang máy bay trực thăng, trên đó chỉ có nhà chứa máy bay và không có đường băng cất và hạ cánh lớn.

Tàu khu trục lớp Izumo thiếu những loại vũ khí chủ đạo. Đường băng được bố trí từ đầu tàu tới cuối tàu. Trên thực tế, tàu khu trục lớp Izumo và tàu Kaga cùng loại vốn được đưa vào hoạt động từ năm 2017 vẫn chỉ được sử dụng cho máy bay trực thăng.

Với chiều dài khoảng 248m và độ giãn nước khi đầy tải là 27.000 tấn, Izumo và Kaga vẫn là quá nhỏ để nâng cấp thành tàu sân bay khi chỉ có khả năng chứa được 14 máy bay trực thăng.

Siêu tàu sân bay của hải quân Mỹ thường có chiều dài hàng nghìn feet và với độ giãn nước lên tới hơn 100.000 tấn.

Tàu đổ bộ tấn công của Mỹ vốn được trang bị máy bay trực thăng AV-8B Harrier và F-35s cũng có chiều dài khoảng 850 feet và độ giãn nước lên tới 41.000 tấn.

Tuy nhiên, các tàu chiến của Nhật Bản vẫn chưa phải là loại tàu có trang bị trực thăng bé nhất thế giới. Có thông tin cho rằng "danh hiệu" đó thuộc về chiếc tàu Chakri Naruebet của Thái Lan.

Mặc dù chỉ có 600 feet dài và độ giãnnước là 11.500 tấn, song con tàu này được cho là đã được sử dụng hiệu quả cho các loại máy bay trực thăng Harrier cho đến khi chúng "quá tuổi" phải nhập kho năm 2016.

Về kích cỡ và khả năng vận hành, tàu khu trục lớp Izumo gần như tương đồng với tàu đô đốc Cavour của Italy với 800 feet dài và độ giãn nước lên tới 30.000 tấn.

Tàu Cavour có thể chứa 5 máy bay Harrier cùng với các máy bay lên thẳng. Italy đang mua các loại máy bay F-35B mới để thay thế cho 16 chiếc Harrier.

Hãng Lockheed Martin đã thiết kế loại máy bay F-35B để phù hợp với đường băng mà máy bay Harrier đã sử dụng.

Trong khi chiếc F-35 chỉ cần một phần đường băng so với Harrier song lại đòi hỏi cao hơn khi động cơ xả nhiệt lớn hơn và đòi hỏi tàu sân bay phải có độ kháng nhiệt đặc biệt cho khu vực cất và hạ cánh.

Thủ tục để cải tạo đường băng của tàu khu trục lớp Izumo là không mấy khó khăn. Vấn đề hóc búa nhất lại là việc cải tạo không gian bên trong con tàu dành cho thủy thủ đoàn, máy móc, nhiên liệu, vũ khí và đặc biệt là nơi đỗ của máy bay F-35.

Theo Steve George, chuyên gia của Australia, người đã nghiên cứu về khả năng hoán cái tàu chiến lớp Canberra của Hải quân nước này để sử dụng cho máy bay F-35 (tàu chiến lớp Canberra cũng có chiều dài 760 feet và độ giãn nước 30.000 tấn, kích cỡ tương tự tàu khu trục lớp Izumo của Nhật Bản), khó khăn này vẫn có thể giải quyết được bởi "trong hơn 30 năm qua, Mỹ và Anh (những nước sử dụng máy bay AV-8Bs và Sea Harrier) đã có những thành quả nhất định từ những nền tảng tương tự."

Ông nhấn mạnh thêm: "Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, thách thức chủ yếu trong việc thể hiện khả năng không chiến trên biển không phụ thuộc vào trang thiết bị mà phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm chiến đấu."

Điều may mắn đối với Nhật Bản là lực lượng hải quân nước này hiện đang có mối liên minh chặt chẽ với hải quân Mỹ.

Ngay khi Tokyo bắt đầu chuẩn bị cho quá trình nâng cấp tàu khu trục lớp Izumo để sử dụng cho máy bay F-35, về lý thuyết, hải quân Nhật Bản có thể gửi phi công, các nhân viên và phi hành đoàn tham gia các khóa huấn luyện cùng với các đối tác Mỹ, vốn đã có kinh nghiệm triển khai hoạt động của máy bay F-35s từ tàu chiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục