Hải quan ''lật tẩy'' nhiều chiêu trò gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu

Sau khi thực hiện kiểm tra 9 công ty, Cục Kiểm tra sau thông quan đã phát hiện 4 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp và đồ gỗ có hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ.
Họp báo thông tin về kiểm tra sau thông quan xuất xứ hàng xuất khẩu, ngày 27/12. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2019, qua công tác thu thập, phân tích thông tin, ngành hải quan nhận thấy một số doanh nghiệp nổi lên với kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến.

Cơ quan hải quan cũng đã thống kê sơ bộ được 19 nhóm hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ, từ đó lập danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ để tiến hành kiểm tra.

Nội dung trên được ông Trần Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ tại buổi Họp báo thông tin về kiểm tra sau thông quan xuất xứ hàng xuất khẩu, ngày 27/12.

Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Thực tế cho thấy, trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước. Trong đó, các Hiệp định quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU... đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam góp phần thu hút đầu tư đầu tư nước ngoài (FDI) song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp quan quản lý.

“Thời gian qua, trong xã hội nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu vào thị trường tham gia hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Nhất là từ giữa năm 2018 đến nay, chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có diễn biến phức tạp, Mỹ đã áp thuế cao lên nhiều dòng hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, cơ quan Hải quan đã tập trung nghiên cứu những phương thức, rủi ro về gian lận, giả mạo lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ và EU,” ông Cường nói.

[Thường trực Ban Bí thư nói về 6 điều rút ra từ vụ án AVG]

Ông Cường chia sẻ, trên cơ sở tổng hợp 19 nhóm mặt hàng có rủi ro cao với kim ngạch tăng đột biến vào thị trường Hoa Kỳ và EU, Cục kiểm tra sau thông quan đã kiểm tra 9 doanh nghiệp và chỉ đạo 9 Cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra 24 doanh nghiệp.

Sau khi thực hiện kiểm tra 9 công ty, nhà chức trách phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 4 doanh nghiệp (trong đó có 3 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 1 doanh nghiệp lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ).

“Qua các biên bản làm việc, doanh nghiệp đã thừa nhận hành vi vi phạm về xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu. Hiện Cục đang đề xuất Tổng cục Hải quan xử lý theo quy định. Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục mở rộng kiểm tra một số nhóm hàng pin năng lượng mặt trời, đèn LED…,” ông Cường nói.

Trong số các doanh nghiệp vi phạm, ông Cường chỉ ra một vụ việc nghiêm trọng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn xe đạp Excel có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, ngành nghề lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu.

Qua kiểm tra, Cục phát hiện Công ty này nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng hình thành sản phẩm. Chính xác là các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào song khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi do Chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.

Thêm vào đó, Công ty trên còn làm các thủ tục gian dối để được cơ quan có thẩm quyền (Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhành Thành phố Hồ Chí Minh) cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O Form B).

Do đó, Tổng cục hải quan đã có công văn gửi Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhành Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận xuất xứ này.

Theo ông Cường, “vì đây là hành vi vi phạm mới có nhiều tình tiết phức tạp chưa có tiền lệ, Cục Kiểm tra sau thông quan đã có nhiều buổi làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đã nhận được ý kiến thống nhất quan điểm với Tổng cục Hải quan về xác định hành vi vi phạm của Công ty cũng như các thức xử phạt, kiến nghị Bộ Công thương thông báo các vi phạm của Công ty đến các cơ quan tổ chức có liên quan.”

Khó khăn khi đấu tranh với đối tượng

Trong công tác kiểm tra sau thông quan, mặc dù các văn bản luật đã quy định rõ ràng nhưng ngành hải quan vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đấu tranh với những hành vi phạm của các đối tượng.

Cụ thể, ông Cường chia sẻ thêm, sau khi xử lý đối với Công ty xe đạp Excel, các doanh nghiệp còn lại có biểu hiện co cụm chống đối, lấy nhiều lý do như người phiên dịch dịch chưa rõ nội dung và cần phải dịch lại, hay giám đốc biện cớ bận phải đi công tác nước ngoài gấp để cố tình không ký các biên bản làm việc, biên bản vi phạm hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, tẩu tán tài sản,….

Ngoài ra, việc xác định tiêu chí xuất xứ hàng hóa theo tỷ lệ phần trăm giá trị đối với cơ quan hải quan cũng không dễ dàng.

Ông Cường chỉ ra, Nghị định 31/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa song tại điều 9 “Công đoạn gia công chế biến giản đơn” quy định còn chưa rõ ràng và chưa đầy đủ nên dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan hải quan với doanh nghiệp để xác định công đoạn gia công giản đơn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Cường đề xuất Bộ Công thương cần sớm rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại tại điều 25 hay điều 9 nghị định 31/2018/NĐ-CP để phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, Bộ Công thương cần có sự sửa đổi để thống nhất nội dung giữa Luật xử phạt vi phạm hành chính với Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP./.

Ông Trần Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan phát biểu:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục