Trong thời gian gần đây, công tác quản lý trang thiết bị y tế ngày càng phức tạp do tính đa dạng, đặc thù, giáp ranh trong công tác quản lý với các mặt hàng khác và các quy định liên quan trong thương mại quốc tế luôn thay đổi.
Để giải được bài toán quản lý này, theo nhiều chuyên gia, giữa ngành y tế và hải quan cần có một kế hoạch phối hợp triển khai phòng chống gian lận thương mại trong lĩnh vực trang thiết bị y tế một đồng bộ và thống nhất.
“Kiểm soát thiết bị y tế là phải ‘rắn’”
Rất nhiều phàn nàn về những chiêu gian lận của doanh nghiệp nhập thiết bị y tế đã được chính đại diện ngành y tế nhắc tới trước đó. Những điều này ít nhiều đã được dư luận chứng kiến bởi những vụ việc mới được phanh phui thời gian gần đây.
[Câu chuyện về nồi hấp tiệt trùng và máy sinh hóa]
Thực tế trên cũng được cán bộ của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thừa nhận. Theo những chuyên gia trong ngành này, “mánh” phổ biến doanh nghiệp sử dụng trong thời gian qua là khai hàng y tế mới 100% nhưng ruột thực tế đã cũ nát. “Chiêu” này sau đó đã bị phía hải quan phát hiện, tuy nhiên ngay sau đó, một số doanh nghiệp đã thay đổi chiêu bằng cách cố tình khai sai mã hàng hóa.
“Trong các vụ việc trên, có thể kể tới vụ ngành hải quan phát hiện một lô hàng khai là nồi hấp tiệt trùng tuy nhiên khi kiểm tra thực tế cơ quan chức năng phát hiện ruột lại là máy sinh hóa đã cũ,” đại diện ngành hải quan dẫn chứng.
Theo thông tin từ Cục Điều tra chống buôn lậu, ngay sau khi phát hiện một số vụ việc trên, ngành hải quan đã có cảnh báo tới các cửa khẩu và yêu cầu siết chặt kiểm tra với hàng hóa là thiết bị y tế để tránh xảy ra những trường hợp tương tự.
Bởi theo quan điểm của Cục Điều tra chống buôn lậu, cơ quan này kiểm soát mặt hàng thiết bị y tế luôn xác định phải làm rất “rắn” vì đây là những sản phẩm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.
Có cái nhìn thận trọng về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Luật về trang thiết bị y tế có thể quy định trang thiết bị y tế phải kiểm tra tại cửa khẩu 100%, không phải kiểm tra mẫu nữa để đảm bảo chặt chẽ hơn. Ý kiến này cũng được Bộ Y tế nhắc tới trong những lần trả lời báo chí trước đó.
Tăng thanh tra để có cảnh báo mặt hàng "nóng"?
Việc kiểm soát chặt chẽ từ cửa khẩu cũng được ông Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam đồng tình. Tuy nhiên, ông Tiền nêu thắc mắc, quản lý hàng hóa hiện vẫn theo nguyên tắc quản lý phân loại rủi ro.
“Doanh nghiệp có truyền thống thực hiện tốt trong thủ tục hải quan, không nợ thuế, không vi phạm thì tất nhiên sẽ được ưu tiên luồng xanh. Cơ quan chức năng không thể đủ nhân lực, vật lực kiểm tra 100% các loại hàng hóa được,” vị chuyên gia này nêu ý kiến.
Ý kiến của ông Tiền cũng nhận được sự chia sẻ từ đại diện ngành hải quan. Thực tế, phân tích trong công tác kiểm soát, đại diện ngành này cho hay, hải quan làm không thông thoáng thì rất dễ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp “kêu.”
Theo thông tin từ Cục Điều tra chống buôn lậu, kể cả khi hải quan điện tử VNACCS/VCIS chính thức được triển khai, phía hải quan bao giờ cũng phải xác định được mặt hàng trọng điểm, doanh nghiệp trọng điểm, tuyến đường trọng điểm. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phải xây dựng cơ sở dữ liệu như việc doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, uy tín... để phân loại.
“Hiện nay ngành nào cũng muốn luồng đỏ 100% thì doanh nghiệp sẽ kêu trong khi theo quy định yêu cầu luồng đỏ không được quá 10%. Hải quan soi hàng nhưng soi chỉ phát hiện được hàng hóa đó là gì, có đồng nhất với tờ khai hay không, còn nếu muốn phát hiện máy cũ lại phải trưng cầu giám định mới rõ ràng,” đóng góp của ngành hải quan thẳng thắn.
Thậm chí, theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép cho các doanh nghiệp nhập trang thiết bị y tế nhưng cũng phải đi kèm quản lý chứ không thể để tình trạng cấp phép ồ ạt.
“Bộ Y tế hàng năm phải có thanh tra rồi có cảnh báo với những mặt hàng y tế cụ thể và đề nghị hải quan tăng cường kiểm tra kiểm soát. Bởi nếu mặt hàng đó không được cảnh báo, doanh nghiệp hoạt động tốt thì chúng ta không có lý do gì lúc nào cũng phân họ luồng đỏ được,” đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan lên tiếng.
Thậm chí, theo vị đại diện ngành này, Bộ Y tế đã tiến hành cấp phép thì phải quản lý những thiết bị y tế này được đưa vào sử dụng tại các bệnh viện, cơ sở y tế ra sao, có đảm bảo chất lượng hay không. Việc này theo ngành hải quan là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu ngành y tế có kế hoạch và tăng cường thanh kiểm tra trong thời gian tới./.
Bài 3:
Cơ chế quản lý nào để thiết bị y tế được mua với giá trị thực?