Tính từ ngày 16/3 đến 15/4, toàn ngành hải quan đã bắt giữ 1.148 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 195 tỷ đồng, theo đó thu ngân sách đạt 42 tỷ đồng và chuyển cơ quan chắc năng kiến nghị khởi tố 5 vụ việc.
Đánh giá chung từ Tổng cục Hải quan, trong tháng lực lượng toàn quốc đã bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng không có tính chất phức tạp. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm sản phẩm động vật hoang dã (sừng tê giác), đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, điện, gỗ, gia cầm… Các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng lậu qua các tuyến hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ.
[2.500 xe hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu giáp Trung Quốc mỗi ngày]
Về công tác phòng chống việc gian lận giả mạo xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan cũng phát hiện một số doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm khai báo sai về nhãn mác, xuất xứ, chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Một số vụ việc nổi cộm trong tháng, Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc-Cục Điều tra chống buôn lậu tuần tra, kiểm soát bắt giữ tàu CHUNG CHINH sang mạn hàng hóa trái phép 6.550 kiện thuốc lá các loại và thả trôi 2.000 kiện.
Ngoài ra, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15, Bến tầu Dân Tiến, Quảng Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Móng Cái đã phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng cất giấu 3,115 kg nghi là sừng tê giác.
Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo-Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ, thương mại Nghĩa Cảnh có 14.575 kg gạo nếp, gạo tẻ là hàng hóa thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu. Đồng thời, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo-Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cũng phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đức Long Tiến không khai báo và không có hóa đơn chứng từ 57.400 kg gạo nếp, gạo tẻ các loại và 200 thùng thạch dừa./.