Ngày 10/8, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tiếp và làm việc, thảo luận một số nội dung hợp tác song phương với Đoàn công tác thành phố DanZhou, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên đã giới thiệu khái quát về thành phố Hải Phòng hội đủ 5 loại hình giao thông quan trọng (đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không); là một trong 3 cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ...
Về hạ tầng logistics của Hải Phòng đang ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động và đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng, kết nối giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành Trung tâm Dịch vụ Logistic của khu vực và quốc tế.
Hải Phòng cũng đang hướng tới mô hình khu thương mại tự do gắn với phát triển trung tâm dịch vụ logistics hiện đại ở thành phố Hải Phòng trong bối cảnh mới.
Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/4/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng "về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030," thành phố tập trung phát triển và mở rộng 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418ha và 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 973ha. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố có thêm 15 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn hiện đại...
[Thúc đẩy kinh tế giữa các địa phương và Trùng Khánh của Trung Quốc]
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng thu hút FDI trên địa bàn thành phố đạt 1,98 tỷ USD, bằng 165% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 872 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 26 tỷ USD; trong đó có 146 dự án đầu tư đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 1,1 tỷ USD.
Trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố, Trung Quốc đại lục đứng thứ 3 về số dự án và đứng thứ 6 về tổng vốn đầu tư... Hải Phòng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và mong muốn nhận được sự đồng hành, hợp tác song phương với các đối tác, nhà đầu tư đến đầu tư tại thành phố.
Ông Zou Guang, Bí Thư Thành ủy thành phố DanZhou, Trưởng Đoàn công tác, cùng các thành viên đoàn mong muốn được tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cảng biển logistics, về triển khai Khu thương mại tự do tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) và đề xuất một số nội dung hợp tác song phương; đồng thời thăm quan khu bến cảng của thành phố.
Khu thương mại tự do Hải Nam (FTZ) là khu thương mại tự do thí điểm đầu tiên của Trung Quốc, được thành lập vào năm 2013. FTZ Hải Nam có diện tích 120 km2, nằm trên đảo Hải Nam, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
FTZ Hải Nam có một số ưu đãi đặc biệt so với các khu vực khác của Trung Quốc, bao gồm miễn thị thực cho công dân của hơn 150 quốc gia; giảm thuế đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài; phát triển các ngành công nghiệp mới, như công nghệ cao, du lịch và y tế.
FTZ Hải Nam đã thu hút hơn 100 tỷ USD đầu tư, tạo ra hơn 1 triệu việc làm. FTZ Hải Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới và trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Quốc, một số nhà đầu tư lớn tại FTZ Hải Nam như Alibaba, Tencent, Huawei, ZTE, Haier, TCL, Gree, Lenovo, BYD...
Theo số liệu của chính quyền tỉnh Hải Nam, năm 2022, FTZ Hải Nam đã thu ngân sách đạt 120 tỷ nhân dân tệ (17,5 tỷ USD), tăng 25% so với năm 2021. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là nguồn thu lớn nhất, đạt 70 tỷ nhân dân tệ (hơn 10 tỷ USD), tăng 30% so với năm 2021./.