Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng vùng ven biển vịnh Bắc Bộ, Hải Phòng có nhiều điều kiện thích hợp để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đặc trưng. Để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Hải Phòng đang thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc.
Từ năm 2017 đến năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn nâng cao thu nhập cho nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020 định hướng đến năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã triển khai xây dựng hơn 47 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc cho 70 sản phẩm tại Hải Phòng.
Các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, quy trình sản xuất, được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm. Qua đó, Hải Phòng đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đồng đều chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá thương hiệu, nâng cao giá sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng) Nguyễn Ngọc Đam cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương của thành phố, ngành nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân, bà con nông dân xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc. Qua gần 4 năm, các mô hình được hình thành, nhân rộng đã chứng tỏ được hiệu quả bước đầu. Giá các sản phẩm thực hiện theo mô hình đều tăng bình quân từ 8-10%.
[Hải Phòng nâng cao năng lực, tận dụng tối đa cơ hội hội nhập quốc tế]
Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến nông thành phố Hải Phòng, các mô hình sản xuất an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc hiện còn gặp nhiều khó khăn như chính sách về đất đai chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời dẫn đến quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp vào liên kết với bà con nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất sản phẩm; thị trường nông sản biến động mạnh, hạn chế về dự báo thông tin thị trường nên việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý đảm bảo liên kết bền vững còn yếu, thiếu các cơ chế, chế tài mạnh để triển khai được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hợp đồng một cách bền vững. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, chưa bắt nhịp được với công nghệ thông tin hiện đại, thiếu trang thiết bị truy việc quản lý, triển khai nên còn gặp khó khăn.
Ngoài ra, tính kết nối trong đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đến tiêu thụ giữa "4 nhà" (quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) chưa thực sự hiệu quả.
Để thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc tại Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đang đề xuất với thành phố thúc đẩy tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất an toàn trên quy mô lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ có các chính sách hỗ trợ về công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thị trường; ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến, thương mại xuất khẩu nông sản.
Thành phố sẽ tổ chức thêm nhiều hình thức tập huấn, đào tạo, tuyên truyền, hỗ trợ cho người nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiếp cận công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó, làm tốt công tác dự tính, dự báo về thị trường tiêu thụ nông sản để có định hướng, kế hoạch phát triển./.