Thành phố Hải Phòng hiện đang triển khai những giải pháp chiến lược phát triển du lịch, nhằm tiến tới mục tiêu xây dựng Cát Bà, Đồ Sơn trở thành Trung tâm Du lịch Quốc tế.
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị "về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó xác định đối với lĩnh vực du lịch, xây dựng Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế". Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị "về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã chỉ đạo: Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng...
Kế hoạch số 85/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, trong đó đã xác định đến năm 2025, xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế, Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Thành phố Cảng sẽ đón và phục vụ 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế; tạo 18,5 - 20,5 nghìn việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu đón và phục vụ 35 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,8 triệu lượt khách quốc tế...
Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển của thành phố.
Cát Bà và Đồ Sơn là những trọng tâm để phát triển hạ tầng du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế và hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa…
Quận Đồ Sơn được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên-lịch sử-văn hóa thuận lợi cho việc phát triển kinh tế với các ngành mũi nhọn là du lịch-dịch vụ và kinh tế biển. Trên địa bàn quận có nhiều công trình văn hoá, lịch sử và tâm linh như Tháp Tường Long-Chùa Tháp, Chùa Hang, Đền Nam Hải Thần Vương...; nhiều di tích lịch sử xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia và thành phố như: Bến tàu không số (bến K15), di tích bến Nghiêng, Kho Xăng…; là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc, văn hóa dân tộc, được gìn giữ và phát huy như Lễ hội Chọi trâu truyền thống; Lễ hội đảo Dấu,…
Từ năm 2020 đến nay, nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai trên địa bàn quận Đồ Sơn như: Dự án tuyến đường bộ ven biển, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún, Dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Dự án khu phức hợp du lịch, nhà ở thương mại, vui chơi giải trí quốc tế và mở rộng sân golf của tập đoàn BRG;… góp phần thay đổi diện mạo và mở rộng không gian đô thị, tăng kết nối liên vùng, thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế quận Đồ Sơn theo hướng du lịch-dịch vụ.
Bên cạnh đó, quận Đồ Sơn cũng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút du khách như: Liên hoan du lịch Đồ Sơn, Tuyến phố đi bộ, Lễ hội Chọi trâu truyền thống, Lễ hội Đảo Dấu, Liên hoan diễn xướng hầu đồng lần thứ nhất.
Trong thời gian tới, quận Đồ Sơn sẽ khai thác mọi nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm du lịch mới như: Thể thao mặt nước, đua xe công thức I, trung tâm huấn luyện thể thao-cứu hộ, du lịch biển, bảo tàng biển, khu dịch vụ, cáp treo, xây dựng các trung tâm biểu diễn, phục vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế để thu hút khách du lịch quanh năm (khắc phục tính mùa vụ của du lịch Đồ Sơn). Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch.
Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) từ lâu đã là một trọng điểm du lịch của đất nước nói chung và của thành phố Hải Phòng nói riêng, với 358 đảo đá vôi kỳ vĩ, hợp với 775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tạo nên quần thể kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ.
Ngoài vẻ đẹp theo tiêu chí mỹ học, địa chất địa mạo, còn có sự đa dạng sinh học với nhiều động, thực vật quý hiếm.
Thành phố Hải Phòng và huyện Cát Hải đã triển khai sắp xếp, tiết giảm và chuẩn hóa các bè nuôi thủy sản, bè du lịch trên vịnh biển nhằm vừa bảo đảm sinh kế người dân, vừa gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên, phát triển du lịch.
Cùng với đó, các cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại với hàng loạt các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tạo cơ hội bứt phá cho du lịch của huyện đảo.
Theo ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, du lịch biển được xác định là thế mạnh của Hải Phòng với hai địa danh du lịch nổi tiếng là Đồ Sơn và Cát Bà. Phát huy lợi thế này, Sở Du lịch đang nghiên cứu một số sản phẩm về thể thao như golf, đua xe đạp, chạy marathon, kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền./.