Hải Phòng: Kiên quyết xử lý doanh nghiệp than cám gây ô nhiễm

Khu sản xuất quá gần khu dân cư; tập kết đống than cao hơn nóc nhà dân; không có nhà xưởng che chắn các dây chuyền nghiền, sàng than là nguyên nhân ô nhiễm trầm trọng tại xã Lưu Kỳ 10 năm qua.

Hơn 10 năm qua, dù các lực lượng chức năng huyện Thủy Nguyên đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt nhưng các doanh nghiệp chuyên sản xuất than cám, than hoa tại khu vực thôn Đá Bạc, xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Bức xúc kéo dài mà không được giải quyết đã khiến hàng trăm hộ dân tại thôn dựng hàng rào, cắm chốt tại con đường độc đạo, ngăn cản không cho các doanh nghiệp này hoạt động.

Nỗi khổ 10 năm sống trong bụi than

Thôn Đá Bạc có khoảng 270 hộ dân với 1.000 nhân khẩu. Từ năm 2004, tại khu vực ngoài đê thôn Đá Bạc kéo dài 1,4km, huyện Thủy Nguyên đã quy hoạch 15ha và cho các doanh nghiệp thuê kinh doanh bến bãi chứa nguyên vật liệu.

Có 11 doanh nghiệp thuê đất kinh doanh tại đây, trong đó hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất than cám, than hoa.

Theo phản ánh của Ủy ban Nhân dân xã Lưu Kỳ, do khu dân cư nằm gần khu vực sản xuất, cách chừng 50m nên đến năm 2006, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu gây ô nhiễm và chính quyền xã nhận được nhiều kiến nghị của nhân dân.

Việc khiếu nại đã kéo dài từ đó đến nay và gây bức xúc cho người dân trong thôn.

Sáng 6/1, sau khi nhân dân thôn Đá Bạc lập lũy, chặn không cho các doanh nghiệp hoạt động, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện, xã và một số doanh nghiệp cùng nhân dân trong khu vực đã có buổi đối thoại. Tại đây, ông Lại Đức Long, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã thừa nhận, điểm nóng ô nhiễm môi trường đã tồn tại lâu. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương chưa triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý.

Để xảy ra ô nhiễm kéo dài tại khu vực là do các doanh nghiệp tập kết đống than quá cao, vượt qua chiều cao bờ đê và nóc nhà các hộ nên khi có gió, bụi than bị khuếch tán sang khu dân cư.

Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cũng không có nhà xưởng để che chắn các dây chuyền nghiền, sàng than khiến bụi than bay trong không khí gây ô nhiễm.

Việc vận chuyển than và dây chuyền hoạt động không có thời gian cụ thể, hoạt động cả vào ban đêm làm đời sống bà con bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, đặt bãi than, dây chuyền sản xuất gần khu dân cư gây mức độ ô nhiễm cao hơn.

Đáng lưu ý là hệ thống cây xanh ngăn bụi giữa khu sản xuất và khu dân cư gần như không có và các xe vận chuyển than không được che chắn cẩn thận làm than rơi vãi khiến bụi gia tăng. Cùng với đó khi mùa đông tới, hướng gió đổi làm khói của các nhà máy ảnh hưởng trực tiếp vào các khu dân cư.

Thực tế cho thấy, cả thôn Đá Bạc đều bị nhuộm một màu đen của bụi than. Bụi than bám ở mọi ngóc ngách, ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường sống của nhân dân.

Ông Vũ Thành Công, Bí thư đảng ủy xã Lưu Kỳ cho biết, trong 10 năm qua, thôn Đá Bạc có khoảng 10 người bị ung thư các loại. Số trường hợp bị mắc các bệnh về đường hô hấp có chiều hướng gia tăng.

Doanh nghiệp ngang nhiên gây ô nhiễm

Mặc dù với ngần đó nguyên nhân gây ô nhiễm, song 10 năm qua, các doanh nghiệp này vẫn hoạt động ngang nhiên. Ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thủy Nguyên cho biết, huyện và các cơ quan cấp thành phố đã xử phạt nhiều lần nhưng sau đó các doanh nghiệp lại tái diễn. Nhiều lần, huyện đã đình chỉ hoạt động của một số doanh nghiệp nhưng sau đó họ lại lén lút hoạt động trở lại.

Việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn do chính quyền địa phương không đủ lực lượng để giám sát.

Cũng như ý kiến của ông Lại Đức Long, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tại buổi đối thoại với nhân dân tại hội trường thôn Đá Bạc ngày 6/1, ông Nguyễn Trần Lanh cho biết, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt đường nước dọc tuyến đường trên đê, phun nước để giảm thiểu bụi. Thứ hai, yêu cầu các doanh nghiệp hạ độ cao các đống than và di chuyển dây chuyền nghiền than vào nhà xưởng, cách đê tối thiểu 20m. Thứ ba, các doanh nghiệp không được sản xuất quá 22 giờ hàng ngày; kông được sử dụng xe trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa tại khu vực.

Mặc dù đã có ý kiến như trên của chính quyền huyện Thủy Nguyên và xã Lưu Kỳ tại buổi đối thoại, song nhân dân thôn Đá Bạc vẫn tiếp tục lập chốt, hàng rào ngăn không cho các doanh nghiệp hoạt động. Theo ý kiến của người dân, bà con sẽ cắm chốt đến khi nào các biện pháp trên được triển khai, môi trường sống được cải thiện hơn.

Trước sự việc trên, huyện Thủy Nguyên và các ngành chức năng cần sớm có biện pháp kiên quyết, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nhằm ổn định tình hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục