Hải Phòng: Kết nối đa chiều doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI

Tại Diễn đàn Kết nối các Doanh nghiệp Phụ trợ và Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài tại thành phố Hải Phòng, đã có 7 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI được ký kết.
Ông Park Hong Keun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Với mục tiêu đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, hỗ trợ thực chất, hiệu quả để kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố Hải Phòng đang tập trung kết nối phát triển đa chiều các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI.

Tại Diễn đàn Kết nối các Doanh nghiệp Phụ trợ và Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài tại thành phố Hải Phòng do Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức ngày 29/9/2023, đã có 7 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI được ký kết.

Qua đây, các doanh nghiệp FDI sẽ có cơ hội để tìm hiểu về nền tảng phát triển công nghiệp của thành phố, năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp trong nước; đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng nắm bắt nhu cầu, yêu cầu để cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định Hải Phòng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thành phố với 3 trụ cột chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại; trở thành động lực mới, nguồn lực mới phát triển thành phố nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Cùng đó, thành phố đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng nghề cao; từng bước xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp của địa phương.

Thành phố cũng đề xuất các cơ chế chính sách để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư được hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Hải Phòng là thành phố có vị trí địa kinh tế chiến lược, có nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều điều kiện thuận lợi vượt trội từ việc hội tụ đủ 5 phương thức giao thông vận tải và là cánh cửa ra biển của các tuyến hành lang kinh tế.

Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng với nền tảng công nghiệp lâu đời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển, đồng bộ, hiện đại, đã trở thành một trung tâm công nghiệp của cả nước.

Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cũng như của cả khu vực miền Bắc.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Hải Phòng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm kết nối, hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Phòng (GRDP) liên tục đạt mức cao, giai đoạn 2021-2022 đạt bình quân 12,63%/năm, đứng thứ 2 cả nước, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm).

Lễ ký kết biên bản hợp tác tại Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại thành phố Hải Phòng năm 2023. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Tỷ trọng GRDP của Hải Phòng trong năm 2022, chiếm 3,83% GDP cả nước và 14,43% GDP Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ.

Trong số đó, với 1 khu kinh tế diện tích 22.540ha thành lập từ năm 2008 và 14 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 6.126ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 63,5%...

Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đến nay đang có sự hiện diện của hơn 400 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 25,72 tỷ USD và hơn 200 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 13,28 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 miền Bắc.

Tổng vốn FDI trong 9 tháng của năm 2023 cũng đạt trên 3 tỷ USD, hoàn thành vượt chỉ tiêu của cả năm 2023 (2,5 tỷ USD).

Các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cũng như tạo ra những tác động lan tỏa khác như Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,2 tỷ USD; Tổ hợp Sản xuất Ôtô Vinfast với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng (khoảng 7,6 tỷ USD) và nhiều dự án trên dưới 1 tỷ USD của Regina Miracle International, Pegatron, Bridgestone./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục