Nhằm nâng cao nhận thức cũng như giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, ngày 8/11, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Cơ hội Xuất khẩu cho doanh nghiệp.”
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn sự gắn kết giữa ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Tổng các nước tham gia RCEP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới.
Hải Phòng: Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Công trình xây dựng, cung cấp hàng hóa và lắp đặt thiết bị thuộc dự án nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có tổng mức đầu tư 724 tỷ đồng với quy mô công suất 100.000 tấn hàng hóa/năm....
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hiệp định RCEP trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Theo ông, RCEP bao gồm 15 quốc gia thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Hiệp định này được ký kết vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia trong khu vực.
Mặc dù RCEP có độ bao phủ rộng lớn, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ hiệp định này vẫn chưa đạt yêu cầu do các nước thành viên cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại khác. Tuy nhiên, RCEP mang lại những lợi thế riêng mà các FTA khác không có. RCEP không chỉ đơn thuần là một hiệp định mới mà còn là sự hợp nhất và mở rộng các FTA trước đó, giúp đơn giản hóa quy định và tạo ra một khu vực thương mại thống nhất, kết nối các FTA khu vực lại với nhau.
Điều này tạo ra một không gian kinh tế rộng lớn và gắn kết hơn, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu. Hội thảo là cơ hội để các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Hải Phòng tìm hiểu sâu hơn về RCEP, từ đó nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ RCEP mang lại.
Tại hội thảo, các chuyên gia từ Vụ Chính sách Thương mại đa biên đã trình bày chi tiết về hiệp định RCEP, bao gồm các cam kết liên quan đến hàng dệt may, giày dép, thiết bị điện; những quy tắc xuất xứ trong hiệp định RCEP và cơ hội thúc đẩy đa dạng hóa và tăng cường xuất khẩu, trong đó nhấn mạnh cơ hội xuất khẩu mặt hàng dệt may và giày dép vào thị trường Nhật Bản, một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề cập đến việc nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất cần thiết để họ có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
Tại Hải Phòng, việc thực thi các hiệp định thương mại luôn được chú trọng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Năm 2024, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thành phố vẫn đạt được một số chỉ tiêu xuất nhập khẩu nhất định.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 29,28 tỷ USD, tăng 23,23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88,73% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 23,39 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ, đạt 73,11% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 10 tháng ước đạt 185.559,8 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ, đạt 83,4% kế hoạch.
Hội thảo không chỉ là một diễn đàn để trao đổi thông tin mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ RCEP. Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp Hải Phòng phát triển bền vững và tăng cường xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố và khu vực./.