Hải Phòng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19

Hàng loạt ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tại Hải Phòng triển khai các gói tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu.
Hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp tại Hải Phòng nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID -19 ngày 21/5. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hải Phòng đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; trong đó quan tâm đến nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu…, nhằm bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hải Phòng, cho biết cùng những chính sách ưu đãi là các gói tín dụng hỗ trợ cho vay mới như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai trên toàn hệ thống gói hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, quy mô dư nợ tối đa 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD, với mức lãi suất giảm tối thiểu 1%/năm cho vay VND và 0,5%/năm cho vay USD so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất; gói hỗ trợ khách hàng cá nhân, quy mô dư nợ tối đa 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 5,5%/năm đến 6,5%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn 1%/năm đối với cho vay VND và thấp hơn 0,5%/năm đối với khoản vay bằng ngoại tệ so với lãi suất cho vay cùng loại.

Ngoài chương trình triển khai theo Hội sở, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đông Hải Phòng xây dựng chương trình riêng, dự kiến dành 500 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn của chi nhánh để cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với mức lãi suất thấp nhất là 5,5%/năm.

Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) triển khai chương trình tín dụng có quy mô lên đến 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng dã từng triển khai trước đây; trong đó Vietinbank đặc biệt ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu (điện, nước, thiết bị y tế, thuốc, bệnh viện, cửa hàng tiện lợi...)

Đồng thời, Vietinbank cũng triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn như đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất cho vay cố định với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2%-3%/năm so với lãi suất thông thường...

[Agribank miễn giảm lãi, hạ lãi suất cho 29.000 khách hàng]

Đến thời điểm này, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn Hải Phòng cũng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.239 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 1.919 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 2.037 khách hàng (mức lãi suất giảm từ 0,2-2%/năm); cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 1.997 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến thời điểm này là 10.566 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hải Phòng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội rà soát, nắm bắt tình hình của khách hàng vay vốn. Đối với các khách hàng gặp khó khăn, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hải Phòng đã tiến hành gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 2.091 khách hàng, dư nợ gia hạn và điều chỉnh là 41,5 tỷ đồng...

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Cường, do mức độ ảnh hưởng, khả năng phục hồi của các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế sau dịch là khác nhau.

Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu với nước ngoài nên thời gian phục hồi sau dịch có thể kéo dài trên 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.

Theo đó, đề nghị kéo dài thời gian được áp dụng theo Thông tư 01 "quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19" phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với việc cơ cấu lại khoản nợ đã quá hạn, ông Lê Văn Cường cho rằng, theo Khoản 2, Điều 4 Thông tư 01 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được áp dụng đối với số dư nợ trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký hoặc đối với số dư nợ đã quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 28/3/2020 (ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư 01 có hiệu lực).

Nhưng thực tế việc thu thập hồ sơ và đánh giá khách hàng để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ mất nhiều thời gian, một số khách hàng đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ, tuy nhiên do khách hàng bị cách ly tại nước ngoài nên không thể về thực hiện các thủ tục theo quy định, khi hoàn thiện hồ sơ thì khoản vay đã qua thời hạn được cơ cấu theo quy định.

Mặt khác, do việc thẩm định và phê duyệt của các tổ chức tín dụng chủ yếu tập trung tại Hội sở, do đó số hồ sơ nợ cơ cấu tập trung lớn tại cùng một thời điểm, đặc biệt là trong thời điểm giãn cách xã hội (trước ngày 23/4/2020), khiến Hội sở không đủ nguồn lực để thực hiện.

Do đó để đảm bảo thực hiện đúng các quy định tại Thông tư 01, đề xuất xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư 01 cho phù hợp với nhu cầu thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục