Hải Phòng giải ngân gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội còn chậm

Đến 31/7, mới chỉ có 3/5 dự án nhà ở xã hội đã công bố tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, số dư đạt 75,51 tỷ đồng (dư nợ toàn quốc của gói cho vay 120.000 tỷ đồng là 1.144 tỷ đồng).

Một khu nhà ở xã hội nhà cho người có thu nhập thấp tại Hải Phòng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Một khu nhà ở xã hội nhà cho người có thu nhập thấp tại Hải Phòng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sau một năm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, Hải Phòng đang bị chậm tiến độ, các đối tượng gặp khó khăn khi tiếp cận gói ưu đãi này.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, ngay khi có Nghị quyết 33/NQ-CP và các chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố về phát triển nhà ở xã hội, đơn vị đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, chủ động làm việc với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội, hướng tín dụng đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân mua nhà; đồng thời, giám sát, thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng đối với các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng và đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được Ủy ban Nhân dân thành phố công bố kịp thời đến các tổ chức tín dụng làm cơ sở cho vay.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng công bố rộng rãi gói tín dụng ưu đãi mua nhà ở xã hội, cơ chế, chính sách, điều kiện, thủ tục, quy trình cho vay.

Các tổ chức tín dụng tích cực tiếp cận, làm việc với chủ đầu tư, người mua nhà tại 5 dự án nhà ở xã hội đã được Ủy ban Nhân dân thành phố công bố đáp ứng đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để nắm bắt nhu cầu cho vay, khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư nhằm đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng từng dự án.

Cùng với đó, tổ chức tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý để phục vụ làm thủ tục vay vốn tín dụng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, tính đến ngày 31/7/2024, mới chỉ có 3/5 dự án nhà ở xã hội đã công bố tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, số dư đạt 75,51 tỷ đồng (dư nợ toàn quốc của gói cho vay 120.000 tỷ đồng là 1.144 tỷ đồng).

Trong đó, các tổ chức tín dụng giải ngân cho Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng PG đối với dự án xây dựng khu chung cư cho người thu nhập thấp tại Khu dân cư An Đồng với dư nợ 31,5 tỷ; giải ngân cho 54 khách hàng mua nhà với dư nợ 13,51 tỷ đồng (tại dự án nhà ở xã hội 384 Lê Thánh Tông và dự án nhà ở công nhân khu Tràng Duệ) và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Phòng giải ngân cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đối với 62 khách hàng với dư nợ 30,5 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân khiến dư nợ cho vay gói 120.000 tỷ đồng còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân lớn là lãi suất cho vay còn cao. Cụ thể, hiện lãi suất cho vay đang là 6,5%, đối với chủ đầu tư là dự án là 7%, áp dụng từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2024.

Theo bà Trần Thị Hiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ giảm lãi suất cho vay. Theo đó, đối với khách hàng mua nhà ở xã hội sẽ giảm từ 3-3,5%/ năm và đối với chủ đầu tư sẽ giảm từ 1-2,5%/năm.

Cùng với vấn đề lãi suất, hiện giá nhà ở xã hội tại Hải Phòng đang là rào cản lớn để nhà ở xã hội đến gần với người dân hơn, tác động trực tiếp đến nhu cầu vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cho biết, giá nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội hiện nay đang cao, tiệm cận nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, với giá nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội hiện nay, công nhân có thể tự mua đất, xây nhà.

Theo ông Tô Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ gói 120.000 tỷ đồng còn nhiều bất cập. Cụ thể, việc xét duyệt cho vay gói ưu đãi này đang "làm khó" cho người mua nhà.

Điển hình, tại Ngân hàng Chính sách xã hội yêu cầu phải có hợp đồng mua bán nhà mới xem xét cho vay. Đây là yêu cầu khó, nếu lỡ ký hợp đồng mua bán mà không được vay, người mua nhà gặp khó khăn. Do đó, cần xét duyệt điều kiện cho vay trước khi người mua nhà ký hợp đồng mua bán.

Tại Hội thảo "Hải Phòng điểm sáng phát triển nhà ở xã hội" do Báo Tiền Phong cùng Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 16/8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, một số Luật mới như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở bắt đầu có hiệu lực sẽ là tiền đề để các cấp Trung ương điều chỉnh những hạn chế trên.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các địa phương và doanh nghiệp triển khai các dự án này nhanh nhất, đảm bảo đúng quy định.

Theo Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, Hải Phòng được giao chỉ tiêu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, trong đó giai đoạn 2021-2025, hoàn thành 15.400 căn; giai đoạn 2026-2030, hoàn thành 18.100 căn. Với quyết tâm cao, Hải Phòng đang phấn đấu hoàn thành trước năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục