Hải Phòng đóng cửa bến xe Tam Bạc, các doanh nghiệp lúng túng

Nhiều ý kiến cho rằng, Hải Phòng đã quá “nhanh chóng” trong việc xây dựng bến xe mới và đóng cửa bến xe cũ.
Hải Phòng đóng cửa bến xe Tam Bạc, các doanh nghiệp lúng túng ảnh 1Các xe tuyến Hà Nội-Hải Phòng được chuyển sang bến xe Niệm Nghĩa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 16/6, bến xe Tam Bạc, Hải Phòng chính thức đóng cửa. Phần lớn các doanh nghiệp vận tải Hải Phòng chọn bến xe Niệm Nghĩa để tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Trong ngày đầu dồn phương tiện về bến xe Niệm Nghĩa, lưu thông tại các tuyến đường có xe khách chạy qua vẫn thông suốt. Tuy nhiên, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, về lâu dài, Hải Phòng cần khẩn trương điều chỉnh điểm dừng đón khách dọc đường và xây dựng phương án chung chuyển đưa đón khách hợp lý.

Ông Đoàn Văn Lợi, Trưởng bến xe Niệm Nghĩa, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bến xe Hải Phòng cho biết, hiện có 40 doanh nghiệp vận tải đăng ký đón trả khách tại bến xe Niệm Nghĩa với 154 phương tiện từ bến xe Tam Bạc chuyển sang và 130 phương tiện thường xuyên hoạt động tại bến xe Niệm Nghĩa.

Để đảm bảo cho các doanh nghiệp chuyển từ bến Tam Bạc sang Niệm Nghĩa hoạt động thuận tiện, Ban quản lý Bến xe Niệm Nghĩa đã gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp và đề xuất với thành phố một số giải pháp hợp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như đóng dấu đè lên số vẽ cũ đã in giúp doanh nghiệp không phải in vé mới, phân luồng, xếp nốt hợp lý. Trong ngày đầu, tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải xe khách tại Bến xe Niệm Nghĩa thông suốt.

Dù đồng tình với phương án đóng cửa bến xe Tam Bạc để đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự cho thành phố, song nhiều ý kiến cho rằng, Hải Phòng đã quá “nhanh chóng” trong việc xây dựng bến xe mới và đóng cửa bến xe cũ. Hiện tại, trong khu vực nội thành thành phố có 5 bến xe; trong đó có 3 bến xe Tam Bạc, Niệm Nghĩa và Cầu Rào do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bến xe Hải Phòng quản lý. Ngoài ra, Hải Phòng còn bến xe Lạc Long và bến xe Thượng Lý. Điều đáng nói, bến xe Thượng Lý do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng đầu tư đã được thành phố Hải Phòng phê duyệt với mục đích sẽ chuyển toàn bộ xe khách đang hoạt động từ bến xe Tam Bạc về Bến xe Thượng Lý. Tuy nhiên, do quá trình chuyển đổi quá đột ngột, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ để đưa khách từ nội thành ra bến xe Thượng Lý nên phần lớn doanh nghiệp không "mặn mà" với sự dịch chuyển này. Thành phố Hải Phòng đã buộc phải ra văn bản để các doanh nghiệp được lựa chọn bến xe cho đến hết 31/12/2015.

Theo giám đốc một công ty vận tải ôtô, 2 yếu tố cần đặt lên hàng đầu trong kinh doanh là sự lưu thông thuận tiện và thu hút được khách hàng. Vì thế, lựa chọn nốt xe ở bến Thượng Lý hay Niệm Nghĩa đều là bài toán liên quan đến lợi ích của công ty. Ông tính toán, sau khi các phương tiện ôtô khách dồn hết từ bến xe Tam Bạc về Niệm Nghĩa, mỗi ngày có trên 130 lượt xe đi từ bến Niệm Nghĩa qua đường Trần Nguyên Hãn - tuyến đường đi từ bến xe Niệm Nghĩa, qua nội thành Hải Phòng về Hà Nội. Đó là chưa kể trên 70 lượt xe đi từ bến xe Cầu Rào về qua bến xe Niệm Nghĩa và cũng theo cùng một tuyến đường với 130 lượt xe kia. Như vậy, 1 ngày trên tuyến đường Trần Nguyên Hãn có tới 200 lượt xe lưu thông. Để giải quyết bài toán này, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng cần có phương án phân luồng hợp lý hơn. Theo đó, Hải Phòng không để các xe khách chạy từ bến Cầu Rào qua bến Niệm Nghĩa để giảm bớt được lưu lượng xe qua đường Trần Nguyên Hãn; đưa phương tiện chung chuyển chở khách từ nội thành ra bến xe Thượng Lý để khách hàng thuận tiện và giảm chi phí trong đi lại; có giải pháp tuyên truyền để người dân thích ứng với việc thay đổi thói quen lựa chọn bến xe mới.

Để đảm bảo trật tự, an toàn cho đường Trần Nguyên Hãn, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng cần sớm quy định điểm dừng, đỗ đón khách trên tuyến đường này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục