Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng Năm, ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, chỉ số sản xuất khu vực chế biến, chế tạo tăng 11,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,2%; riêng ngành khai khoáng tiếp tục giảm 7,8%.
Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, mặc dù thấp hơn mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm ngoái song đây là con số tích cực khi so với mức tăng 5,2% của 4 tháng đầu năm.
Về địa phương, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về mức tăng trưởng, tăng 20,5%, tiếp đến là Thái Nguyên tăng 17%, Đà Nẵng tăng 10,8%. Hai đầu tàu kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có mức tăng tương ứng 7,2% và 5,9%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng Tư tuy giảm 0,9% so với tháng Ba, nhưng vẫn tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,3%). Một số ngành có mức tiêu thụ cao, như sản xuất phương tiện vận tải tăng 16,4%, sản xuất xe có động cơ tăng 13,2%, sản xuất kim loại tăng 12,1%, sản xuất đồ uống tăng 9%...
Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tại thời điểm 1/5) cũng tăng 11% so với cùng thời điểm năm ngoái (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,7%). Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao, như sản xuất kim loại tăng 82,4%, sản xuất xe có động cơ tăng 69,8%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 50,1%, sản xuất đồ uống tăng 40,6%...
Hiện, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 4 tháng đầu năm 2017 là 71,6%, trong đó ngành có tỷ lệ tồn kho cao là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 113,4%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) 106,7% và sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 99,4%./.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng (đơn vị: %)