Đến 12 giờ ngày 24/6, bão số 1 đã bắt đầu gây mưa và gió giật ở khu vực nội đô thành phố Hải Phòng.
Theo báo cáo sơ bộ của các ngành, địa phương, bão số 1 đã làm một người bị thương, khiến 2 phương tiện trong âu cảng Bạch Long Vỹ bị đứt neo đâm vào bờ, bị chìm. Thành phố Hải Phòng đang tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão số 1 và chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Để tiếp tục chủ động phòng chống bão, Hải Phòng chỉ đạo các địa phương và lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Toàn thành phố đã có hơn 43.000 người được huy động thường trực sẵn sàng chống bão, trong đó lực lượng do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng là hơn 10.000 người; 46 xe ôtô các loại, 18 tàu, xuồng cao tốc và 4 xe thiết giáp.
Lực lượng do Bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng là 225 người, 14 tàu, 37 xuồng, 19 xe ôtô các loại.
Đến 12 giờ ngày 24/6, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã phối hợp thông báo, kiểm đếm hơn 4.700 phương tiện, lồng bè, chòi canh với 16.766 lao động biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; hiện không còn phương tiện đang hoạt động trên sông biển.
Riêng tại huyện đảo Bạch Long Vỹ có 411 phương tiện với 1.946 lao động và 183 phương tiện được đưa lên bờ tránh bão.
Trong khi đó, tại Thái Bình, trước tính chất phức tạp của bão số 1, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh yêu cầu các huyện ven biển triển khai ngay việc di dời số hộ dân sống ngoài đê chính vào trong nội đồng, chủ yếu ở các xã Nam Hải, Nam Phú, Cồn Vành, Đông Minh, Đông Long (huyện Tiền Hải); Cồn Đen, Thái Thượng, thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy).
Các địa phương nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, khẩn trương kiểm đếm và sắp xếp phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn.
Trường hợp không đủ chỗ neo đậu an toàn, tỉnh Thái Bình yêu cầu huyện Thái Thụy bố trí phương tiện khơi luồng để tàu, thuyền neo trú ở hai bến cá Mỹ Lộc và Thái Thượng.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cũng đề nghị các địa phương trong tỉnh tổ chức di dân ở các vùng bồi, bãi vào trong đê chính trước khi bão vào; kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh viện, trường học xung yếu, chằng chống nhà cửa, kho tàng, cắt tỉa cây lớn, tranh thủ mở cống tiêu nước để hạ thấp mực nước trên các sông.
Sáng nay, Thái Bình đã tạm hoãn phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV để các lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống địa bàn đôn đốc các xã, thị trấn chấp hành nghiêm túc kế hoạch đề ra, bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện khi có bão xảy ra.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, tính đến sáng 24/6, tại hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy của tỉnh Thái Bình, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tổ chức vận động, di dời 3.136 lao động tại các lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy, hải sản vào nơi trú ẩn an toàn.
Ngoài số lao động được di dời trên, tại huyện Tiền Hải, hơn 200 lao động ở các chòi canh, lồng bè vẫn chưa được di chuyển vào nơi tránh bão an toàn.
Chính quyền địa phương các huyện này vẫn đang tiếp tục rà soát địa bàn, tuyên truyền và tổ chức giúp dân vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, tỉnh đã liên lạc được với hơn 1.200 tàu, thuyền có hơn 3.300 lao động; không còn phương tiện hoạt động ở khu vực ven biển; gần 1.200 phương tiện đã về neo đậu tại bến với khoảng 3.200 lao động. Số phương tiện đang hoạt động ngoài tỉnh là 36 phương tiện với 160 lao động đã vào bờ.
Tỉnh Thái Bình cơ bản thu hoạch xong lúa Xuân, còn một lượng nhỏ không đáng kể tập trung ở huyện Tiền Hải. Hiện tại khắp các địa phương trong tỉnh bắt đầu có mưa to, gió đã mạnh dần lên./.