Hải Phòng: Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Chiều nay (11/7), Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị lần thứ 12, bàn nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Hải Phòng: Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh Minh Huệ/TTXVN)

Chiều 11/7, Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 12 đã thảo luận giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, thông qua điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021-2025, với nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp của các đại biểu.

Báo cáo tại Hội nghị kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết mặc dù tình hình kinh tế đất nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế thành phố duy trì đà tăng trưởng, đứng thứ 3 cả nước, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, nổi bật là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,94% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 12,28% so với cùng kỳ.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả tích cực, cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm; công tác giải ngân vốn đầu tư công tăng cao so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu Thủ trướng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân thành phố giao.

Công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang được tăng tốc góp phần lan tỏa sự quan tâm, chăm lo đời sống, nơi ăn, chốn ở cho người thu nhập thấp, công nhân, không chỉ trong nhận thức của lãnh đạo, cán bộ thành phố, còn trong từng doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp.

Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố đang tích cực chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành để triển khai Quyết định số 323 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, ngày 10/7/2023, Hội đồng thẩm định đã cơ bản thống nhất thông qua dự thảo Quy hoạch thành phố, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 100% đồng ý...

[Cơ sở để phát triển Hải Phòng thành trung tâm liên kết vùng] 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2023 của thành phố còn một số hạn chế, tồn tại, nổi lên là một số nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội theo Chương trình, Kế hoạch, các Thông báo, Kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy còn chậm, muộn và có những nhiệm vụ bị lãng quên.

Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa bám sát tiến độ kế hoạch đề ra, nhất là tổng thu ngân sách Nhà nước, thu nội địa, thu hải quan. Tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố; chuyển đổi huyện An Dương thành quận còn khá chậm...

Về nhiệm vụ trọng tâm quý 3 này và thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cơ bản thống nhất với báo cáo, thảo luận của các đại biểu và nhấn mạnh, thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng bộ, trong từng cơ quan, đơn vị trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, cần tiếp tục được quan tâm, tích cực thảo luận, phát huy trí tuệ tập thể.

Đối với một số nhiệm vụ cụ thể trong công tác xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy... tập trung hoàn thiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Đối với phát triển kinh tế-xã hội, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chủ đề năm 2023 của thành phố "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị-xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu-thực hiện chuyển đổi số;" tập trung hoàn thành Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Hải Phòng: Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2Bí thư Thành ủy Hải phòng Lê Tiến Châu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Minh Huệ/TTXVN)

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; xây dựng các Đề án thực hiện thí điểm chính sách phí, lệ phí quy định tại Nghị quyết số 35 của Quốc hội; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay-giai đoạn 2 và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi...

Cùng đó, thành phố quan tâm nhiều hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp của Hải Phòng. Trước hết là xây dựng danh sách các doanh nghiệp Hải Phòng đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI trong một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp FDI; nhằm tạo chuỗi cung ứng bền vững, tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nhằm phát huy vai trò chủ lực tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được cấp phép; xúc tiến triển khai việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố, gắn với nghiên cứu, quy hoạch hệ thống cảng biển Nam Đồ Sơn, trước năm 2025.

Tham mưu đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi thành phố Hải Phòng trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố; Đề án về đào tạo nghề trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

Đối với lĩnh vực du lịch, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị sớm hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Nghiên cứu, xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch gắn với lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng; triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030.

Lĩnh vực nông nghiệp, thành phố quan tâm hơn nữa đối với việc xây dựng các sản phẩm OCOP, hướng đến những sản phẩm đặc trưng, vừa phát triển nông nghiệp, vừa là sản phẩm du lịch. Cùng đó, thành phố Hải Phòng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản, quyết liệt đấu tranh, xử lý nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, hủy hoại môi trường, không đúng quy hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục