Hai "ông lớn" công nghệ Apple, Google hành động vì môi trường

Quỹ phục hồi do Apple phối hợp triển khai đặt mục tiêu mỗi năm các dự án rừng sẽ giúp giảm 1 triệu m3 khí CO2, tương đương với lượng khí thải do khoảng 200.000 phương tiện chuyên chở khách thải ra.
Hai "ông lớn" công nghệ Apple, Google hành động vì môi trường ảnh 1Một khoảng rừng Amazon bị thiêu rụi ở gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil, ngày 24/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/4, Apple, hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ tuyên bố thành lập quỹ trị giá 200 triệu USD đầu tư cho các dự án trồng rừng phục vụ mục đích sản xuất gỗ thương mại, với mục tiêu là vừa giảm thí khải carbon trong khi quyển vừa sinh lợi nhuận.

Restore Fund (Quỹ phục hồi) do Apple phối hợp triển khai cùng với Cơ quan Bảo tồn quốc tế và Tập đoàn tài chính Goldman Sachs.

Trong đó, Cơ quan bảo tồn quốc tế đóng vai trò đồng tài trợ và Goldman Sachs đóng vai trò quản lý quỹ. Dự kiến, các dự án đầu tiên dựa vào quỹ này sẽ được hình thành vào cuối năm nay.

Quỹ Phục hồi đặt ra mục tiêu mỗi năm các dự án rừng sẽ giúp giảm khoảng 1 triệu m3 khí CO2 trong bầu khí quyển, tương đương với lượng khí thải do khoảng 200.000 phương tiện chuyên chở khách thải ra.

[Apple muốn loại bỏ phát thải carbon từ chuỗi cung ứng vào 2030]

Trong thông báo về quỹ mới thành lập, Phó Chủ tịch Apple phụ trách vấn đề môi trường, chính sách và các sáng kiến xã hội Lisa Jackson cho rằng thiên nhiên chính là nơi chứa đựng những công cụ tốt nhất để giảm thiểu nồng độ carbon trong khí quyển.

Các cánh rừng hấp thụ khí carbon trong không khí và ngăn chặn hiệu quả khí thải này làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Thông qua việc thành lập một quỹ vừa mang lại nguồn thu tài chính vừa giúp giảm khí carbon một cách thiết thực và có thể định lượng, Apple mong muốn sẽ tạo ra và dẫn dắt một sự thay đổi quy mô lớn trong tương lai - khuyến khích đầu tư cho hoạt động giảm thiểu khí carbon trên toàn cầu.

Năm 2020, Apple công bố mục tiêu trung hòa khí carbon trong mọi hoạt động, kể cả sản xuất, trước năm 2030.

Trong đó, Apple giảm 75% khí thải phát sinh trực tiếp từ chuỗi cung ứng và các sản phẩm trước năm 2030 và 25% còn lại được thực hiện thông qua giảm thiểu khí thải có trong bầu khí quyển mà quỹ trên thực hiện. Cùng với đó, nhà sản xuất iPhone cũng khẳng định mục tiêu là không để cho bất kỳ thiết bị nào mà hãng bán ra gây hậu quả về khí hậu.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Cơ quan Bảo tồn quốc tế M. Sanjayan khẳng định đầu tư cho thiên nhiên sẽ có thể giúp giảm thiểu nhiều khí carbon hơn và cho hiệu quả nhanh hơn nhiều so với mọi công nghệ hiện hành.

Khi đối mặt với mối đe dọa toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới cũng cần đổi mới các cách tiếp cận để giảm mạnh lượng khí thải trong khí quyển.

Cũng trong ngày 15/4, Tập đoàn công nghệ Google của Mỹ đã công bố tính năng quay chậm trên dịch vụ Google Earth cung cấp hình ảnh vệ tinh về thế giới.

Tính năng mới dựa trên hàng chục triệu hình ảnh vệ tinh từ 37 năm qua để giúp người dùng có được cái nhìn chi tiết nhất về sự thay đổi của hành tinh qua thời gian.

Giới thiệu về tính năng này, Google gọi đây là hình ảnh thu nhỏ để mỗi người tự nhân thấy tình trạng hiện tại của "ngôi nhà duy nhất" dành cho con người và là công cụ để giáo dục và thúc đẩy hành động bảo vệ ngôi nhà đó.

Những hiệu ứng từ các hình ảnh trực quan sẽ đánh thẳng vào nhận thức của mỗi người, điều mà tuyên truyền bằng ngôn ngữ chưa làm được và những hình ảnh này còn phản ánh nhiều vấn đề cùng lúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục