Hai nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc tránh được kịch bản tệ nhất

Samsung Electronics và SK Hynix đều có các nhà máy đặt tại Trung Quốc và hai "đại gia" này lo ngại sẽ phải dừng hoàn toàn hoạt động của các nhà máy nếu muốn nhận trợ cấp.
Hai nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc tránh được kịch bản tệ nhất ảnh 1Trụ sở của Công ty điện tử Samsung Electronics ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Hai "đại gia" Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc đã "thở phào" vì tránh đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất, sau khi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) cho hay các quy định của Mỹ nhằm ngăn chặn “các nước gây quan ngại” tiếp cận khoản trợ cấp chip trị giá 52 tỷ USD sẽ không buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc.

Samsung Electronics ngày 22/3 đã công bố quan điểm chính thức liên quan đến các điều khoản về rào cản của Bộ Thương mại Mỹ, nói rằng hãng này đang “nghiên cứu kỹ thông báo của MOTIE và đưa ra các phương hướng phản hồi trong tương lai."

Một lãnh đạo của Samsung Electronics cho biết vì việc tiếp nhận đăng ký trợ cấp bắt đầu vào ngày 31/3 nên hãng sẽ đưa ra phản hồi sau khi thảo luận các phương án trong thời gian còn lại.

Nội dung giúp các hãng điện tử của Hàn Quốc trút được gánh nặng là việc Bộ Thương mại Mỹ giới hạn năng lực sản xuất chất bán dẫn của các nhà sản xuất.

[Hàn Quốc phát triển cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới]

Nếu các công ty bán dẫn như Samsung Electronics và SK Hynix nhận trợ cấp đầu tư theo Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ thì sẽ không thể mở rộng năng lực sản xuất tại Trung Quốc (được đo bằng công suất wafer - chất nền bán dẫn) quá mức 5% trong thời gian 10 năm.

Samsung Electronics và SK Hynix đều có các nhà máy đặt tại Trung Quốc. Trước đó, cả hai công ty đều lo ngại rằng họ sẽ phải dừng hoàn toàn hoạt động của các nhà máy này nếu muốn nhận trợ cấp. Một lãnh đạo cho biết cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải tính đến việc rút nhà máy ngay lập tức.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 21/3 đã đưa ra đề xuất áp dụng các biện pháp hạn chế đối với các nhà sản xuất chip và các quỹ nghiên cứu của Mỹ mở rộng đầu tư vào các nước như Trung Quốc và Nga.

Theo MOTIE, các đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ quy định đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp sản xuất chip tại Trung Quốc có năng lực sản xuất tăng trưởng trong 10 năm, lần lượt là 5% đối với chip bán dẫn trên nền wafer và 10% đối với các loại chip cũ hơn.

Thông báo của MOTIE cho biết các cơ sở sản xuất của Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành công tác bảo trì, mở rộng một phần năng lực sản xuất cũng như nâng cấp công nghệ.

Sau khi nâng cấp công nghệ, số lượng chip trên mỗi tấm wafer có thể tăng lên... Qua đó, các công ty có thể tiếp tục mở rộng sản xuất tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh riêng.

Chính phủ Mỹ đưa ra khung thời gian 60 ngày để lấy ý kiến hoàn thiện các quy định trong dự thảo chi tiết được công bố lần này.

Trợ lý cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc phụ trách các vấn đề kinh tế Choi Sang-mok cho biết, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã chỉ thị giới chức Hàn Quốc tham vấn chặt chẽ với Chính phủ Mỹ và sẽ tiếp tục tiến trình đàm phán chi tiết.

MOTIE cũng cho biết Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch liên lạc với các nhà sản xuất chip trong nước, phân tích các quy định mới đề xuất và tiến hành tham vấn với các đối tác Mỹ trong khung thời gian quy định 60 ngày.

Hiện Samsung Electronics đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip tại bang Texas (Mỹ) với chi phí dự kiến hơn 25 tỷ USD. Tập đoàn SK - công ty mẹ của SK Hynix, cũng công bố kế hoạch đầu tư trị giá 15 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ vào năm ngoái.

Cả hai doanh nghiệp này của Hàn Quốc đều có thể nộp đơn đề nghị nhận trợ cấp từ Chính phủ Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục