Theo truyền thông Hàn Quốc, trong số 10 nạn nhân tử vong ở vụ sập nhà thi đấu ở Gyeongju có hai người là thành viên các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.
Nạn nhân thứ nhất là cô Jun Choe Ri, 19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất Khoa tiếng Việt, Trường Đại học Ngoại ngữ Busan và là nạn nhân cuối cùng được thông báo thiệt mạng trong vụ tai nạn trên.
Bố của Jun Choe R đã sang Việt Nam lấy vợ 8 năm về trước. Ông cho biết Jun tỏ ra đặc biết quý mến người mẹ Việt Nam và 2 năm trước cô đã quyết định thi vào Khoa tiếng Việt trường Đại học Ngoại ngữ Busan với mong ước duy nhất là “để có thể tâm sự với mẹ bằng tiếng Việt.”
Jun cũng ấp ủ ước mơ sẽ được sang thăm Việt Nam để về thăm quê mẹ, song thật không may “ước mơ đó đã bị chôn vùi cùng đống đổ nát,” cha của Jun nghẹn ngào kể lại trên bản tin ngày 20/2 của kênh truyền hình JTBC, trực thuộc tập đoàn truyền thông cùng tên - chủ sở hữu một trong bốn tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Hàn Quốc là tờ ChungAng Ilbo.
Nạn nhân thứ hai là anh Choi Jeong-un, 44 tuổi, người được phía công ty tổ chức sự kiện thuê làm bán thời gian tại buổi lễ trên trong vai trò chụp ảnh và quay phim và là nạn nhân xấu số duy nhất không phải là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Busan.
Những ngày qua, hầu hết các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đều nhầm lẫn anh Choi là nhân viên công ty tổ chức sự kiện, nhưng thực chất anh là một diễn viên sân khấu. Choi tốt nghiệp chuyên ngành sân khấu và điện ảnh Đại học Kyungsung tại Busan.
Nhờ vào tài năng và ngoại hình hấp dẫn, anh thường được chọn đóng vai các nhân vật chính trong các tác phẩm kinh điển như"Hamlet," " Les Bonnes" hay "Người giúp việc." Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp cuộc sống của Choi gặp nhiều khó khăn và anh tiếp tục đi diễn tại Daegu, thành phố quê hương của anh.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc hiện đang làm việc tại Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa thành phố Taegu, năm 2012, Choi sang Việt Nam và gặp gỡ người vợ hiện nay của anh là chị Lê Thị Kiều Oanh khi đó đang là sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn Quốc.
Họ nhanh chóng kết hôn nhưng cuộc sống kinh tế của hai người tiếp tục gặp khó khăn. Để phụ giúp thêm cho gia đình, Choi tìm việc bán thời gian tại các công ty tổ chức sự kiện với thu nhập khoảng 100 USD một ngày từ việc chụp ảnh và quay phim.
Khi vụ tai nạn xảy ra, vợ anh - chị Lê Thị Kiều Oanh, đang ở tại quê nhà bên Việt Nam và biết được vụ tai nạn qua tin tức trên các phương tiện truyền thông đại chúng vì vậy chị chỉ kịp trở lại Hàn Quốc và đến nhà tang lễ để tiễn đưa anh vào chiều ngày hôm qua 19/2.
Chị nghẹn ngào trong nước mắt: “Lời cuối cùng nhà tôi cho biết qua tin nhắn điện thoại là thông báo rằng anh ấy đang làm việc vào ngày xảy ra vụ tai nạn,” chị tâm sự: “anh ấy nói đợi thời tiết ấm lên sẽ cùng tôi về Việt Nam thăm gia đình bên vợ... nào ngờ!?”
Sau vụ tai nạn, các phương tiện truyền thông sở tại chủ yếu tập trung vào các sinh viên đã thiệt mạng mà ít để ý đến trường hợp của Choi. Không giống trường hợp của cô Jun Choe Ri hay các sinh viên xấu số khác, tang lễ của anh Choi được tổ chức khá yên tĩnh tại nhà tang lễ. Không một ai từ phía công ty tổ chức sự kiện hay tập đoàn Kolon đến phúng viếng hoặc gửi lời chia buồn trong tang lễ của anh. Chị Oanh đau xót: "tôi nghĩ mọi người đã không quan tâm (thờ ơ) với cái chết của anh ấy."
Không chỉ chị Oanh, Kim Young-il, một người bạn của anh Choi thời sinh viên, cũng nói rằng: "thật đau lòng vì anh ấy đã không được đối xử tử tế ngay cả khi đã chết"./.