Theo kế hoạch, vòng đàm phán cấp cao mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra tại Washington (Mỹ) vào ngày 10-11/10 tới nhằm đi đến một thỏa thuận giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang từ tháng 7/2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.
Dựa trên những thông tin thu thập được và diễn biến gần đây, giới quan sát dự đoán Mỹ sắp có nhiều hướng đi và các hành động tập trung vào một mục tiêu, đó là chặn nguồn vốn phát triển của Trung Quốc.
Cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn ra quyết liệt trong lĩnh vực thương mại với việc hai bên liên tục gia tăng quy mô và mức độ áp thuế bổ sung vào hàng hóa của nhau.
Lo ngại ngọn lửa thương chiến sẽ lan sang lĩnh vực tài chính đã thành sự thực sau ngày 5/8/2019 khi Mỹ chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, người ta chưa thấy những động thái trả đũa cụ thể từ phía Washington. Tin đồn vẫn nối tiếp tin đồn.
Gần đây nhất, vào ngày 27/9, bóng ma chiến tranh tài chính lại xuất hiện, làm cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ gồm Nasdaq, Dow Jones và S&P 500 đều giảm điểm.
Tuy nhiên, giảm mạnh nhất lại là các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ như Alibaba, Baidu…. Khi đóng cửa, cổ phiếu của Alibaba và Baidu lần lượt giảm 5,2% và 3,7%.
[Mỹ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc]
Nguyên nhân bắt đầu từ sự xuất hiện của thông tin về việc Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu phương thức hạn chế dòng vốn của Mỹ chảy vào Trung Quốc, bao gồm hạn chế các quỹ lương hưu nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc, loại bỏ niêm yết của các công ty Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Tin tức loan đi càng khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, từ lĩnh vực thuế quan mở rộng sang kiểm soát dòng vốn.
Theo Tổng Giám đốc tổ chức China Beige Book chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, ông Leland Miller, thông tin nêu trên đã xuất hiện được một thời gian và Nhà Trắng có lý khi làm như vậy.
Ông Miller cho biết, trên thực tế, vấn đề mà quan chức Nhà Trắng thảo luận là làm thể nào để lấp lỗ hổng trong quy định pháp luật liên quan tới thị trường chứng khoán Mỹ.
Bởi hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn được hưởng quyền miễn trừ liên quan tới việc tiết lộ thông tin vốn được Ủy ban Quản lý chứng khoán Mỹ (SEC) trao cho họ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Nếu lấp được lỗ hổng nêu trên, doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng phải tuân thủ các ràng buộc về thông tin như doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước ngoài khác.
Đích đến là nhằm bảo vệ nhà đầu tư Mỹ không bị tổn hại bởi hành vi lừa gạt hay vấn đề quản trị của doanh nghiệp Trung Quốc.
Và để góp phần tránh dòng vốn của Mỹ chảy vào “lỗ đen,” Thượng nghị sỹ Mỹ Marco Rubio cũng đang thúc đẩy một dự luật ngăn chặn các quỹ lương hưu Mỹ đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc không minh bạch về thông tin.
Trong một diễn biến liên quan, khi trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng vào tháng 5/2019, cựu chiến lược gia hàng đầu của Nhà Trắng Steven Bannon bày tỏ hy vọng có thể ngừng cho phép doanh nghiệp Trung Quốc tham gia thị trường vốn của Mỹ tới khi Chính phủ Trung Quốc đồng ý thực hiện các cải cách mang tính căn bản.
Cộng thêm việc nhiều cơ quan truyền thông lớn trên thế giới trong tuần cuối cùng của tháng 9/2019 đồng loạt dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ về khả năng hạn chế dòng vốn của Mỹ chảy vào Trung Quốc, có thể thấy dù chưa có biện pháp cụ thể, nhưng Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể đang cân nhắc ý kiến này.
Như vậy, sau 20 năm liên tục gây sức ép với Trung Quốc trong việc mở cửa thị trường tài chính, manh nha về sự thay đổi chính sách đối với Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính đã xuất hiện.
Hiện nay, để đối phó với các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ, Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp, bao gồm cắt giảm thuế trong nước, do đó việc thu hút nguồn vốn từ bên ngoài càng trở nên quan trọng.
Trong bối cảnh đó, hạn chế dòng vốn của Mỹ chảy vào Trung Quốc rõ ràng nhằm phát đi tín hiệu mạnh mẽ, không chỉ nhằm gây sức ép trước thềm vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung thứ 13 vào ngày 10/10 tới, mà còn cảnh báo Washington còn nhiều vũ khí mới, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh chiến lược, thậm chí là “trò chơi có tổng bằng 0” (zero sum game) với Bắc Kinh.
Theo thống kê của Ủy ban Thẩm tra An ninh và kinh tế Mỹ-Trung (USCC), tới ngày 25/2/2019, có 156 doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có 11 doanh nghiệp nhà nước niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với tổng trị giá là 1.200 tỷ USD.
Quy mô này đủ cho thấy tầm quan trọng của thị trường vốn Mỹ đối với Trung Quốc. Nếu không thể huy động được vốn từ Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc có thể trở về thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), nhưng vấn đề là khu hành chính này đang đứng trước nguy cơ mất vị thế đặc biệt của mình.
Từ những gì nêu trên có thể thấy khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung chưa đạt được đột phá, Washington liền “giới thiệu” thêm các loại vũ khí mới, từ việc đưa tập đoàn Huawei của Trung Quốc vào “danh sách đen,” liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ và bản quyền tri thức và nay là phát đi đồn đoán về đe dọa trong lĩnh vực tài chính.
Dù là loại bỏ niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ hay không cho phép Hong Kong hưởng ưu đãi đặc biệt nữa thì những động thái này đều hướng đến việc ngăn chặn sự tiếp cận của doanh nghiệp Trung Quốc đối với nguồn vốn quốc tế nói chung và nguồn vốn Mỹ nói riêng.
Việc Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về quan hệ công chúng Monica Crowley lên tiếng phủ nhận có thể chỉ là “tạm thời chưa áp dụng” mà không có nghĩa là Washington sẽ từ bỏ ý định này.
Khi những nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới nổi giảm đi, xu thế phát triển của nước này chắc chắn chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra, các chỉ số chứng khoán của Mỹ cũng sẽ bị hệ lụy và Washington khó lòng nhận được sự ủng hộ của giới tinh hoa Phố Wall./.