Ngày 5/11, nhóm khảo sát của Hàn Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu tiến hành một cuộc khảo sát chung vùng sông nước dọc biên giới phía Tây nhằm sử dụng chung các cửa sông của sông Han (Hàn) và sông Imjin, nơi dân thường trước đây thường ít được tiếp cận do căng thẳng quân sự.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết theo thỏa thuận quân sự liên Triều hồi tháng 9, hai miền Triều Tiên sẽ tiến hành cuộc khảo sát trên tới cuối năm nay nhằm đảm bảo độ an toàn của các cửa sông về mặt quân sự để có thể đưa các cửa sông này vào sử dụng phục vụ du lịch, bảo vệ sinh thái...
Nhóm khảo sát 20 thành viên sẽ bao gồm 10 người tới từ mỗi bên, trong đó có các quan chức chính phủ về quân sự và hàng hải cũng như các chuyên gia về sông nước. Các thành viên trong nhóm sẽ không mang theo vũ khí và không được phép có các hành động khiêu khích trong cuộc khảo sát chung này.
Hàn Quốc đã triển khai 6 tàu tham gia cuộc khảo sát chung, có sử dụng chương trình sóng âm để đo độ sâu của vùng sông nước này nhằm cung cấp thông tin cho hoạt động đi lại an toàn nơi đây. Sau khi cuộc khảo sát kết thúc, giới chức sẽ lập bản đồ đi lại cung cấp cho người dân.
[Hàn Quốc, Triều Tiên nhất trí rút 11 trạm gác ở khu vực biên giới]
Các cửa sông mà hai miền Triều Tiên nhất trí sử dụng chung có chiều dài 70 km và rộng khoảng 280km2.
Theo thỏa thuận liên Triều, người dân và tàu thuyền phải thông báo cho giới chức quân sự 1 ngày trước khi đi vào khu vực này. Người dân sẽ được phép sử dụng cửa sông từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày từ tháng 4 đến tháng 9, trong khi các cửa sông này sẽ vẫn mở cửa từ 8 giờ đến 18 giờ hàng ngày từ tháng 10 đến tháng 3.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2007, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí đề ra một loạt dự án về sử dụng chung các cửa sông. Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ song phương sau đó đã khiến các dự án này chưa trở thành hiện thực.
Cuộc khảo sát chung là một bước tiến nữa của hai miền nhằm thúc đẩy thực thi thỏa thuận quân sự liên Triều được ký sau cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9 vừa qua.
Thỏa thuận này bao gồm đề ra nhiều biện pháp xây dựng lòng tin, các kế hoạch kiểm soát vũ khí thông thường như giải giáp vũ khí tại khu vực an ninh chung thuộc khu phi quân sự hóa và dỡ bỏ trạm gác của mỗi bên dọc theo đường biên giới liên Triều... nhằm giảm căng thẳng quân sự và ngăn chặn các cuộc xung đột không mong muốn./.