Hai lý do chính khiến EU không đàm phán lại Brexit với Anh

EU có thể sẽ không ủng hộ những lời kêu gọi của các đối thủ ủng hộ Brexit để lãnh đạo đảng Bảo thủ kế tiếp đàm phán lại thỏa thuận Brexit đúng thời hạn ngày 31/10 vì hai lý do quan trọng.
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tại thủ đô London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng express.co.uk đưa tin Liên minh châu Âu (EU) không chắc sẽ ủng hộ những lời kêu gọi của các đối thủ ủng hộ Brexit để lãnh đạo đảng Bảo thủ kế tiếp đàm phán lại thỏa thuận Brexit đúng thời hạn ngày 31/10 vì hai lý do quan trọng.

Thứ nhất, sự mong manh về chính trị của các chính phủ các quốc gia thành viên EU và thời hạn ngày 31/10, thời hạn cuối cùng để nước Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) và cũng là ngày kết thúc nhiệm kỳ của Ủy ban châu Âu (EC), được đặt ra nhằm ngăn cản Anh đàm phán lại thỏa thuận Brexit gây tranh cãi.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã bác bỏ những lời kêu gọi của các nhân vật tiếng tăm như Boris Johnson và Dominic Raab về đàm phán lại một thỏa thuận Brexit.

Trò chuyện trong chương trình của Andrew Marr của đài BBC, Hammond nói: "EU sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Tôi khá chắc chắn về điều đó."

Ông nói thêm: "Ngay cả khi một số người muốn tới Brussels và tôi không nghĩ họ làm như vậy, họ sẽ không thể vì sự mong manh chính trị của họ - sự mong manh của liên minh gồm 27 quốc gia còn lại (trừ Anh)."

[Mega Story] Ngổn ngang câu hỏi Brexit sau sự ra đi của Thủ tướng May

Cho đến nay, EU vẫn giữ nguyên cam kết sẽ thống nhất với Cộng hòa Ireland về đề xuất bổ sung gây tranh cãi nhằm ngăn chặn việc thiết lập đường biên giới cứng trên đảo Ireland.

Thứ hai, Bộ trưởng Hammond nhấn mạnh, cũng không có đủ thời gian để đàm phán một thỏa thuận Brexit mới.

Ông nói: "Tuy nhiên, cũng có, nếu tôi có thể nói như vậy, sự mâu thuẫn giữa việc nói rằng chúng tôi sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới với việc chúng tôi nên cố gắng đàm phán lại lần nữa với EC."

"Đơn giản là sẽ không có thời gian. Thực sự là sẽ không có một cuộc đàm phán nào với EC cho đến cuối tháng 10."

Tuy nhiên, ông Hammond tuyên bố ông không đồng ý rằng một thỏa thuận không được sửa đổi sẽ dẫn đến một Brexit không có thỏa thuận.

Ông cho biết Thủ tướng tiếp theo của nước Anh sẽ bất chấp quyết định của Quốc hội nếu cơ quan lập pháp này khiến Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.

Ông Hammond nói thêm: "Một thủ tướng phải có khả năng giành lấy lòng tin của Quốc hội để điều hành đất nước."

"Hiện nay, tôi không hình dung việc bất kỳ ứng cử viên nào... nghĩ rằng họ muốn hoàn tất việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới và sau đó sẽ rời nhiệm sở. Họ sẽ cầm quyền thế nào nếu họ không cần Quốc hội về một vấn đề quan trọng như vậy?"

Trong tuần này, lãnh đạo đảng Bảo thủ Vladimir Johnson tuyên bố ông sẽ ra tranh cử vào chức vụ thủ tướng tiếp theo của đất Anh bằng cách nhấn mạnh Vương quốc Anh phải rời khỏi EU đúng thời hạn chót vào tháng 10 tới dù có hoặc không có thỏa thuận.

Tham gia chương trình của Andrew Marr còn có cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, người đã tuyên bố rằng dưới sự lãnh đạo của mình, ông sẽ gây áp lực với Brussels để đàm phán lại một thỏa thuận Brexit phù hợp.

Cựu Bộ trưởng Brexit nhấn mạnh vẫn có thể thay đổi thỏa thuận Brexit nhưng cảnh báo điều đó sẽ chỉ được thực hiện với một số thiện chí từ Brussels.

Ông Raab nói: "Rõ ràng có một câu hỏi hợp lý mà chúng tôi có thể đưa ra, một câu hỏi đã được Hạ viện chấp thuận xoay quanh cái gọi là đạo luật bổ sung Brady, đảm bảo rằng chúng tôi đã có một lối thoát."

Ông nói thêm: "Tôi nghĩ chúng ta cần phải kết thúc và tuyệt đối kiên quyết theo cách mà chúng ta đã không làm lần trước. Tôi đã có kinh nghiệm, không chỉ là một người ủng hộ Brexit, với tư cách là một luật sư, đã làm việc 6 năm ở Bộ Ngoại giao, tôi đã quen với những cuộc đàm phán này và tôi đã tận mắt chứng kiến việc đó. Tôi nghĩ rằng có thể đạt được một thỏa thuận. Nhưng, tất nhiên, bạn đúng. Nó cũng sẽ cần có chút thiện chí từ phía bên kia (tức Ủy ban châu Âu)"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục