Hai kiện tướng thể thao chọn thi Mister Vietnam với mong muốn “đổi vận”

Nổi bật tại vòng sơ khảo Mister Vietnam, hai kiện tướng quốc gia không chỉ sở hữu bảng thành tích khủng mà còn thổ lộ những “góc khuất” đầy bất ngờ trên hành trình theo đuổi sự nghiệp thể thao.
Kiện tướng quốc gia môn bóng chuyền Nguyễn Phúc Lộc (sinh năm 1995, cao 1m93, quê Bến Tre). (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Kiện tướng quốc gia môn bóng chuyền Nguyễn Phúc Lộc (sinh năm 1995, cao 1m93, quê Bến Tre), và kiện tướng quốc gia nội dung 10 môn phối hợp điền kinh chuyên nghiệp Trần Lê Quốc Đạt (sinh năm 1996, cao 1m80, quê Tây Ninh), là hai gương mặt nổi bật của làng thể thao đã để lại nhiều ấn tượng tại sơ khảo cuộc thi Mister Vietnam 2024.

Sở hữu bảng thành tích nổi bật, không ai nghĩ phía sau hai chàng trai này lại có những “góc khuất” đầy bất ngờ khi theo đuổi sự nghiệp thể thao.

Kiện tướng muốn trở thành mẫu nam để “đổi vận”

Nguyễn Phúc Lộc từng được triệu tập đội tuyển Seagame 2019, 5 năm liền được phong danh hiệu kiện tướng quốc gia, gần đây nhất anh giành Huy chương Vàng Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023, Huy chương Bạc quốc gia 2020 và nhiều huy chương lớn, nhỏ trong nước. Lộc cũng khoác áo 2 câu lạc bộ bóng chuyền hàng đầu Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và Sanest Khánh Hòa.

Lộc chia sẻ vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh phải chọn theo học thể thao từ năm cấp 3 để vừa đỡ kinh phí học đại học vừa có tiền trang trải phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống của Lộc không hề dễ dàng, thậm chí thường xuyên đối diện nghịch cảnh. Anh được xem là không có năng lực và phải trải qua rất nhiều vất vả, đấu tranh nội tâm để trụ lại với nghề và có được thành tích như ngày nay.

Cuộc sống của Lộc không hề dễ dàng, thậm chí thường xuyên đối diện nghịch cảnh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khi mới bước chân vào sự nghiệp vận động viên bóng chuyền, Lộc từng bị sa thải đến 2 lần với đánh giá không đủ khả năng đáp ứng chuyên môn. Nhưng may mắn, có một số huấn luyện viên nhìn thấy năng lực và nỗ lực của Lộc nên đã giữ lại.

Lộc bảo nhận ra hoàn cảnh của mình nếu không cố gắng theo thể thao thì chẳng thể với tới đại học. Lộc cũng chẳng thể làm gì khác ngoài đi làm công nhân, làm việc tay chân như thời kỳ đi chạy bàn, theo đoàn múa lân hay làm gia công cho xí nghiệp dừa để có tiền ăn học và phụ giúp bố mẹ như trước khi bước chân vào con đường thể thao.

Lộc đã nỗ lực để từng bước khẳng định bản thân, dù cho con đường ấy khá lận đận, vất vả và nhiều lần gặp phải những chấn thương lớn, nhỏ, đặc biệt là lần chấn thương cột sống khá nặng. Hiện tại, để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thể thao, Lộc vẫn phải sử dụng thuốc giảm đau hằng ngày nếu tập luyện cường độ cao.

Với những chấn thương có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời, tuổi nghề thể thao cũng khá ngắn và không phải vận động viên nào cũng có được mức lương thưởng như mong muốn, thậm chí nhiều người thu nhập thấp. Chưa kể, theo Lộc, áp lực đạt vị trí cao và áp lực thi đấu khiến những người như cậu thường xuyên mất ngủ, dễ bị sụt cân và căng thẳng tinh thần.

Với chiều cao nổi bật 1,93m cùng gương mặt “botboy”, Lộc thổ lộ trở thành người mẫu là niềm đam mê từ nhỏ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với chiều cao nổi bật 1,93m cùng gương mặt “hotboy”, Lộc thổ lộ trở thành người mẫu là niềm đam mê từ nhỏ nhưng chưa có điều kiện để chạm tới. Khi Mister Vietnam 2024 tuyển sinh, Lộc đã đăng ký để tìm kiếm bước ngoặt mới trong sự nghiệp của mình.

Chàng trai quê Bến Tre chia sẻ: “Ban tổ chức Mister Vietnam năm nay có tiêu chí tìm kiếm những thí sinh có tri thức, năng động, lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng, sẵn sàng mài giũa những ‘viên ngọc thô’ trở nên có giá trị. Phúc Lộc thấy phù hợp với khát vọng của bản thân nên đã… liều mình đăng ký.”

“Lộc muốn mình là đại diện cho ‘viên ngọc thô’ từ thể thao dám bước chân vào lĩnh vực hoàn toàn mới để truyền cảm hứng cho các bạn ở lĩnh vực thể thao sau này cũng có thể tự tin theo đuổi ước mơ giống như mình”, Phúc Lộc nói.

Lộc cũng không ngại ngần thổ lộ, mong muốn tham gia cuộc thi, dấn thân vào showbiz là có cả mong ước, hy vọng “đổi vận”, mở rộng cơ hội làm việc để giúp gia đình và cho mình cơ hội có cuộc sống tốt hơn.

Nếu thành công với chặng đường mới, Lộc mong muốn có thể hoàn thiện nhà cửa cho cha mẹ và bà nội, tìm điều kiện trị bệnh tốt hơn và thuê người chăm sóc cho cha, mở một quán ăn nhỏ cho mẹ để bà không phải thức khuya dậy sớm đi làm xí nghiệp ở độ tuổi gần 60 mà thu nhập chưa tới 150 nghìn/ngày. Sau đó mới là lo đến cho bản thân mình.

Hai kiện tướng thể thao và thí sinh nổi bật tại sơ khảo cuộc thi Mister Vietnam 2024. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đứng lên từ những chấn thương gây ám ảnh

Còn Trần Lê Quốc Đạt đã gắn bó với thể thao 12 năm, thi đấu chuyên nghiệp cho Tây Ninh. Không chỉ là kiện tướng quốc gia nội dung 10 môn phối hợp, Đạt là chàng trai năng động, đa năng. Anh tham gia rất nhiều phong trào thể thao của tỉnh nhà như bóng đá, bóng chuyền, chạy bộ… và tích cực quyên góp cho các hoạt động từ thiện của tỉnh.

Quốc Đạt từng giành 2 Huy chương Bạc giải Vô địch Điền kinh trẻ Quốc gia 2014; 2 Huy chương Vàng giải Vô địch Điền kinh trẻ Quốc gia 2015, Huy chương đồng Giải điền kinh Hà Nội mở rộng 2016, Huy chương đồng Giải Điền kinh Vô địch Quốc gia 2020… Năm 2023, Đạt tiếp tục vô địch Điền kinh Quốc gia.

Dù không ở “vạch xuất phát” quá vất vả như Nguyễn Phúc Lộc nhưng gia đình Lộc cũng không khá giả. Khi Đạt quyết định theo sự nghiệp thể thao, bước đầu tập luyện và thi đấu cần nhiều dụng cụ chuyên dụng phục vụ thi đấu tốt hơn, để có tiền sắm sửa, bố mẹ anh đã phải chạy thêm đủ thứ việc để giúp con mua những thứ cần thiết.

Đạt bảo anh nhớ mãi chấn thương gây ám ảnh cuộc đời là lần tham gia Đại hội Thể dục thể thao Toàn quốc năm 2018. Hồi đó Đạt là ứng viên sáng cho chiếc Huy chương Vàng, nhưng chỉ còn 15 ngày nữa là thi, trong một buổi tập nhảy sào, Đạt bị ngã ra ngoài nệm từ độ cao hơn 4 mét xuống đường.

Trần Lê Quốc Đạt đã gắn bó với thể thao 12 năm, thi đấu chuyên nghiệp cho Tây Ninh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cú ngã khiến Đạt lật cổ chân phải điều trị 2 tháng không khỏi, cũng có nghĩa bao công sức cả năm đó đổ sông đổ bể. Chấn thương liên tục cũng gây cản trở trong sự nghiệp của Đạt suốt những năm qua. Chưa kể, anh lại là con một, mỗi lần nghe tin Đạt chấn thương là cả gia đình lại lo lắng khuyên Đạt từ bỏ...

Chọn thử sức với Mister Vietnam, Đạt bảo muốn xem khả năng mình còn có thể làm được gì và muốn phá vỡ giới hạn của bản thân. “Mọi người thường nói vận động viên rất khô khan, trái ngược với nghệ thuật, đặc biệt là người mẫu. Nên tôi quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy tôi có thể làm được điều mọi người nghĩ là không thể và muốn lan tỏa tinh thần này đến mọi người”, Quốc Đạt chia sẻ.

Đạt cũng mong sẽ có điều kiện tốt hơn để lo cho cha mẹ và bà ngoại, bù đắp cho gia đình đã vì cậu theo đuổi con đường thể thao mà từng quá vất vả vun vén kinh tế. “Tôi mong cha mẹ được hãnh diện và nở nụ cười hạnh phúc với những gì mà con trai mình làm được”, Đạt bày tỏ.

Hai kiện tướng, hai thí sinh vòng sơ khảo của Mister Vietnam 2024 cùng những câu chuyện của họ đã mang đến nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng, lan tỏa ý chí vươn lên của các vận động viên thể thao Việt Nam./.

Chọn thử sức với Mister Vietnam, Đạt bảo muốn xem khả năng mình còn có thể làm được gì và muốn phá vỡ giới hạn của bản thân. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chủ tịch cuộc thi Mister Vietnam, ông Phúc Nguyễn, cho hay: “Chúng tôi khẳng định, với tầm vóc cuộc thi cấp quốc gia, Mister Vietnam không phải một show giải trí, chúng tôi muốn tìm kiếm ứng viên có thực lực để trở thành một hình mẫu tiêu biểu, năng động, truyền cảm hứng sống tích cực cho giới trẻ, sẵn sàng bước ra đấu trường quốc tế để chinh phục chiến thắng, giữ vững vị thế hàng đầu của Việt Nam ở các cuộc thi dành cho nam lớn nhất thế giới, sẵn sàng tham gia vào các sàn diễn thời trang quốc tế…”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục