Hài kịch 'Quan thanh tra': Trào phúng về nạn tham nhũng, hối lộ

Từ kịch bản của tác giả người Nga Gogol, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở hài kịch "Quan thanh tra" phản ánh tệ nạn tham nhũng, hối lộ trong xã hội.
Đạo diễn dùng hình ảnh chiếc ghế để ẩn dụ cho lòng tham chức quyền của quan lại trong vở kịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đạo diễn dùng hình ảnh chiếc ghế để ẩn dụ cho lòng tham chức quyền của quan lại trong vở kịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà hát Kịch Việt Nam vừa hoàn thành tác phẩm "Quan thanh tra" - vở hài kịch của nhà văn nổi tiếng người Nga Nikolay Vasilyevich Gogol (1809-1852) và đã có buổi công diễn đầu tiên tối 3/10, tại Hà Nội.

Tác phẩm “Quan thanh tra” được xuất bản lần đầu năm 1836. Vở kịch được Nikolay Vasilyevich Gogol viết dựa theo một số gợi ý của bậc văn tài đàn anh Puskin.

Câu chuyện kể về một công chức nhỏ lang thang đến một thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ Thủ đô Peterburg đi thị sát.

[‘Điểm danh’ các sân khấu nghệ thuật không thể bỏ lỡ khi đến với Hà Nội]

Thị trấn vốn yên bình bỗng đảo lộn. Quan lại địa phương vốn là những kẻ tham nhũng vô cùng lo sợ, tìm mọi cách để mua chuộc, hối lộ cho quan thanh tra. Nhân dịp đó, chúng tố cáo lẫn nhau, nói xấu nhau để tâng công, giở mọi chiêu trò bẩn thỉu, hèn hạ khi đứng trước mối nguy bị vạch trần… Tệ hơn nữa, viên thị trưởng còn định dâng cả vợ và con gái cho quan thanh tra, hòng leo cao hơn lên bậc thang danh vọng.

Hài kịch 'Quan thanh tra': Trào phúng về nạn tham nhũng, hối lộ ảnh 1Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc và diễn viên Hồ Liên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Câu chuyện tuy xảy ra ở một vùng hẻo lánh, song “Quan thanh tra” của Gogol đã vạch trần bản chất của bộ máy quan chức cồng kềnh, mục nát dưới chế độ Sa hoàng. Điều đáng nói là vở kịch đề cập đến vấn đề tham nhũng, chạy chức quyền, hối lộ… rất gần với thực trạng xã hội Việt Nam.

Đó là cảm nhận của bà Minh Ngọc, khán giả tại Hà Nội và người bạn của mình sau khi xem vở kịch.

“Chúng tôi xem mà thấy thấm thía vì có những tình tiết rất đúng với xã hội Việt Nam hiện nay, mặc dù kịch bản này của nước ngoài. Vở kịch mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả song cũng truyền tải những thông điệp rất sâu sắc,” bà Ngọc nói.

Vở diễn do Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng biên tập và đạo diễn, có sự góp mặt của dàn nghệ sỹ giàu kinh nghiệm của Nhà hát Kịch Việt Nam: Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Nghệ sỹ Ưu tú Kiều Minh Hiếu, Nghệ sỹ Ưu tú Trịnh Mai Nguyên, Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Lâm Tùng, Hồ Liên, Hồng Quang… và những gương mặt trẻ, tài năng như Hồng Phúc, Hà Vy…

Hài kịch 'Quan thanh tra': Trào phúng về nạn tham nhũng, hối lộ ảnh 2Vở kịch quy tụ dàn diễn viên giàu kinh nghiệm của nhà hát. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đây là vở diễn hiếm hoi nhà hát phải “tung ra” toàn bộ các gương mặt “đinh” bao gồm cả dàn lãnh đạo của nhà hát để đảm bảo chất lượng tác phẩm.

“Đây là vở hài kịch rất nổi tiếng trên thế giới và cũng rất khó dàn dựng, kịch bản có thời lượng 4 tiếng nhưng chúng tôi phải làm sao cô đọng lại chỉ còn 2 tiếng. Ở đó, khán giả sẽ theo vị quan thanh tra giả đi vi hành, gặp đủ loại người với đủ mọi tình huống dở khóc dở cười và cả những bài học đắt giá. Khán giả được cười, được thoải mái, nhưng bên cạnh tiếng cười chúng ta sẽ có những điều suy ngẫm,” nghệ sỹ chia sẻ.

Nghệ sỹ Xuân Bắc cho rằng đạo diễn, biên kịch đã rất trăn trở để có thể kể câu chuyện một cách trọn vẹn, súc tích và có tính tư tưởng để làm sao bối cảnh xã hội từ hàng trăm năm trước ở nước ngoài lại có thể được công chúng Việt Nam ngày nay đón nhận.

Theo nghệ sỹ Xuân Bắc, đạo diễn đã khéo léo dùng hình ảnh những chiếc ghế để nói về lòng tham của quan chức địa phương. Họ giữ chiếc ghế của mình bằng mọi giá. Bối cảnh sân khấu cũng có cặp mắt mèo sắc lẹm, những lỗ cống và hình ảnh đàn chuột. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho sự đục khoét, chui lủi, phảng phất khung cảnh đám cưới chuột trong tranh dân gian Việt Nam, qua đó thể hiện của sự cống nạp, hối lộ.

Vở kịch “Quan thanh tra” sẽ được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn vào các ngày 14, 15, 18, 19, 20/10./.

Nikolay Vasilyevich Gogol không chỉ là cây bút văn xuôi xuất sắc hàng đầu trong lịch sử văn học Nga, được công nhận là nhà văn hiện thực vĩ đại, ông còn là một trong số ít những nhà văn đóng vai trò quyết định trong việc đặt nền móng phát triển cho sân khấu kịch Nga và châu Âu hiện đại ngay từ thập niên thứ ba của thế kỷ XIX. Danh tiếng của ông được Bách khoa toàn thư Anh quốc mô tả là "chiến thắng vĩ đại của nghệ thuật châm biếm Gogol."

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục