Trong hai ngày 16-17/7, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo quốc tế về chủ đề “Hài hòa hóa pháp luật trong xây dựng Cộng đồng ASEAN - những vấn đề đặt ra với Việt Nam qua kinh nghiệm từ EU.”
Hội thảo do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam thông qua Chương trình hỗ trợ đối thoại chiến lược Việt Nam-EU tổ chức.
Đây là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các học giả châu Âu và ASEAN với các đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan và các học giả Việt Nam về hài hòa hóa pháp luật và các vấn đề liên quan đến Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ASEAN.
Trong khuôn khổ Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện EU-Việt Nam, Liên minh châu Âu có mục tiêu chiến lược là tăng cường các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa thông qua việc mở rộng phạm vi hợp tác với Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu về hài hòa hóa pháp luật có thể góp phần giúp Việt Nam thực hiện Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện EU-Việt Nam một cách hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhấn mạnh: "Hội thảo là cơ hội rất tốt để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ về một vấn đề khá mới đối với Việt Nam, đó là hài hòa hóa pháp luật phục vụ hội nhập khu vực. Chúng tôi hy vọng rằng, từ các kinh nghiệm quý của EU, các đề xuất, kiến nghị, giải pháp sẽ được đưa ra nhằm thúc đẩy việc hài hòa hóa pháp luật trong khu vực ASEAN, phát huy vai trò của cơ quan lập pháp các quốc gia thành viên, trong đó có Quốc hội Việt Nam."
Ông Juan ZaratieguiBiurrun, Cố vấn chính trị Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: "Liên minh châu Âu coi Quốc hội là cơ quan chủ chốt trong quá trình hiện đại hóa của Việt Nam. Những đạo luật quan trọng sẽ được thông qua trong năm 2015 và 2016 như Luật Báo chí, Luật về Hội, Bộ Luật Hình sự sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố con đường tới thịnh vượng, tự do và tôn trọng nhân quyền của Việt Nam đã được Hiến pháp quy định và cũng là cơ sở của mối quan hệ EU-Việt Nam."
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kiến thức và thông tin về những thực tiễn đa dạng và hài hòa hóa pháp luật tại EU như những vấn đề khác nhau của quá trình hội nhập châu Âu và những ví dụ về hài hòa hóa pháp luật của EU; chuyển đổi pháp luật và việc xây dựng chính sách/pháp luật để thực hiện tiến trình hội nhập châu Âu; quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN và quá trình phát triển cũng như nhu cầu hài hòa hóa pháp luật.
Những năm gần đây, Việt Nam và các quốc gia ASEAN đang nỗ lực hướng đến việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào tháng 12/2015. Một trong những thách thức chính đối với việc đạt mục tiêu của ASEAN là thực hiện các Hiệp định chung của ASEAN có yêu cầu hài hòa hóa pháp luật để thúc đẩy quá trình hội nhập sâu, rộng của khu vực như được nêu trong Hiến chương ASEAN. Đây là một yêu cầu rõ ràng và mỗi nước phải đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung của ASEAN nhằm giảm sự khác biệt và những rào cản pháp lý, tạo thuận lợi cho việc thành lập và xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu được coi là một ví dụ tham khảo điển hình về hội nhập khu vực. EU đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để hài hòa hóa pháp luật giữa các nước thành viên, trong đó có sự thống nhất và việc áp dụng nguyên tắc “công nhận lẫn nhau.”
Trong khi đó, hài hòa hóa pháp luật trong bối cảnh hội nhập khu vực là vấn đề tương đối mới đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, Quốc hội Việt Nam có nhu cầu tham khảo kinh nghiệm từ EU về hài hòa hóa pháp luật nhằm tăng cường quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.
Chương trình hỗ trợ đối thoại chiến lược EU-Việt Nam là chương trình kéo dài trong ba năm (2013-2016) do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam thông qua việc thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện EU-Việt Nam (PCA) được hai bên ký kết năm 2012./.